Cơ hội nào cho ngành chăn nuôi của Việt Nam trong EVFTA?

Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực đang được kỳ vọng tạo ra triển vọng phát triển mới cho ngành chăn nuôi Việt
Cơ hội nào cho ngành chăn nuôi của Việt Nam trong EVFTA? ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Chiến lược này đặt ra mục tiêu chung đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực đang được kỳ vọng tạo ra triển vọng phát triển mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về định hướng phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.

- Trước hết, xin ông cho biết các mục tiêu cơ bản và ý nghĩa của Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi mới được Thủ tướng phê duyệt?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là chính sách rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi với tác động dài hạn tới 25 năm.

Đây là chiến lược có ý nghĩa lớn và cũng là thông điệp, cam kết của Chính phủ đối với ngành chăn nuôi Việt Nam trong giai đoạn tới. Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là xác định ngành chăn nuôi phát triển đi lên trong hoàn cảnh mới vừa có thời cơ vừa có áp lực. Thời cơ ở đây là tiềm năng thị trường, không gian chăn nuôi sẽ được mở rộng. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Mục tiêu chung của Chiến lược là hiện đại hóa ngành chăn nuôi, đến năm 2030, một số chỉ tiêu cơ bản của ngành chăn nuôi như trình độ sản xuất, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh phải đạt trong nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN và khu vực, có thể cạnh tranh với các nước phát triển mà Việt Nam đã tham gia các cam kết hội nhập.

[Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045]

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi Việt Nam phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa sâu chứ không phải chăn nuôi tận dụng nữa. Hình thức chăn nuôi phần lớn phải sản xuất tập trung theo trang trại và mô hình doanh nghiệp.

Các sản phẩm chăn nuôi phải là sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu. Cụ thể, phấn đấu xuất khẩu 25% sản phẩm thịt lợn, 15-25% sản phẩm thị gia cầm.

- Theo ông, ngành chăn nuôi Việt Nam thời gian qua đã phát triển tương xứng với tiềm năng hay chưa và có những hạn chế gì cần phải khắc phục?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Phải nói rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển chăn nuôi, tuy nhiên Việt Nam chưa khai thác được vì lực lượng tham gia nhiều nhưng chưa hiệu quả, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Để khai thác được hết tiềm năng lợi thế, vấn đề là tổ chức thế nào, nếu không tiềm năng sẽ biến thành hạn chế. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ khi xảy ra dịch bệnh, kiểm soát sẽ khó khăn; xử lý vấn đề an toàn thực phẩm yếu; kiểm soát thị trường cũng không được tốt.

Chính vì vậy, Chiến lược lần này đã chỉ ra các chính sách cụ thể để có thể phát huy tiềm năng lợi thế của ngành chăn nuôi.

- Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, ông đánh giá như thế nào về thách thức cũng như cơ hội cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định này?

Ông Nguyễn Đăng Dương: Hiệp định EVFTA tạo ra không gian phát triển rộng lớn cho ngành nông nghiệp nói chung nhưng đối với chăn nuôi, tôi cho rằng EVFTA tạo áp lực nhiều hơn thời cơ.

Theo tôi, thời cơ chỉ có 40%, còn áp lực là 60%. Vì sao vậy? Bởi lẽ, các nước châu Âu có trình độ kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi hơn Việt Nam; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của châu Âu chiếm từ 60% đến 80% còn của Việt Nam chỉ từ 20% đến 40%; công nghệ chuồng trại và chế biến của châu Âu cũng hơn Việt Nam. Dinh dưỡng cho vật nuôi châu Âu cũng hơn vì họ có cánh đồng lúa mỳ, cánh đồng ngô rất lớn….

Tuy nhiên, nói như vậy không phải Việt Nam không có cơ hội.

- Thị trường EU là thị trường khó tính, vậy ngành chăn nuôi cần giải pháp gì để nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường EU

Ông Nguyễn Xuân Dương: Như tôi nói ở trên, Việt Nam chỉ có 40% cơ hội nhưng Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu được sang các nước châu Âu. Xét về lợi thế, Việt Nam đa dạng sinh học hơn nên có nhiều loại vật nuôi hơn như vật nuôi ở vùng khí hậu nhiệt đới.

Thứ hai, khẩu vị và thói quen tiêu dùng thực phẩm khác nhau cũng tạo cho Việt Nam cơ hội rõ rệt. Ví dụ, châu Âu thích ăn các sản phẩm thịt phi lê, lườn, nhưng thị trường Việt Nam lại thích ăn thịt đùi, thịt dai. Vì vậy, Việt Nam có thể xuất khẩu những sản phẩm phía đối tác thích và nhập các sản phẩm mà thị trường mình cần.

Hơn nữa, cam kết thuế quan trong hiệp định EVFTA không phải có hiệu lực ngay tất cả, nhiều cam kết cắt giảm thuế còn lùi từ 6-10 năm sau, vì vậy Việt Nam có đủ thời gian nếu biết tổ chức lại thị trường theo chuỗi liên kết.

Chính vì vậy, ngành chăn nuôi ngày từ bây giờ cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, hạ giá thành thì Việt Nam vẫn có thể tăng xuất khẩu sang được châu Âu.

- Thưa ông, hiện ngành chăn nuôi vẫn còn tình trạng phát triển tự phát, theo phong trào, chạy theo thị trường, dẫn đến lệch pha cung cầu, theo ông cần có giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Tôi cho rằng những năm trước đây biểu hiện này rất rõ nhưng gần đây đã giảm đáng kể. Căn nguyên quan trọng của hiện tượng trên là do tâm lý đám đông, chạy theo thị trường. Nếu thực hiện được theo các nội dung Chiến lược chăn nuôi lần này, Việt Nam có thể giải quyết được bài toán cung cầu và thị trường một cách hợp lý.

Cụ thể, ngành chăn nuôi phải được tổ chức theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã; đưa những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nông hộ vào chuỗi liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Cơ hội nào cho ngành chăn nuôi của Việt Nam trong EVFTA? ảnh 2Phun khử trùng chuồng trại. (Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN)

Các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã đóng vai trò dẫn dắt, phát hiện tín hiệu thị trường, nắm bắt yêu cầu thị trường để rồi phát động, tổ chức sản xuất cho người chăn nuôi. Việc kéo nông hộ vào chuỗi liên kết trên sẽ điều tiết được lợi nhuận, điều tiết cung cầu tránh thừa thiếu; tránh trung gian đội giá như giá lợn tăng cao vừa qua.

- Để thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, ông có kiến nghị chính sách gì không?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Nếu tính đến năm 2045 thì hơi dài, trong Chiến lược đã đưa ra nhiều nhóm chính sách và định hướng chung rồi. Theo tôi trong 5 đến 10 năm tới, Việt Nam cần triển khai các nhóm chính sách cụ thể sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển cụ thể là chính sách đất đai. Việt Nam phải có chính sách ưu tiên về đất đai cho chăn nuôi để tạo không gian cho chăn nuôi tập trung.

Thứ hai là chính sách về tín dụng. Đầu tư cho chăn nuôi đòi hỏi vốn rất cao, nhất là các nhà máy chế biến. Chính vì vậy chính sách tín dụng, tài chính, thuế cho chăn nuôi phải có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển.

Thứ ba, về thương mại phải tổ chức lại hệ thống thương mại, tổ chức lại các chợ đầu mối, tổ chức lại các sàn đấu giá về con giống vật nuôi, sàn giao dịch điện tử… để đảm bảo cân đối thị trường.

Theo tôi, nếu thực hiện tốt các chính sách này, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đủ cơ sở để phát triển và hội nhập.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.