Là quốc gia giàu có về tài nguyên dầu khí, nhưng kinh tế Iran vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Iran nhận thấy hiện là thời điểm quyết định để đưa ra một số điều chỉnh linh hoạt trong đàm phán hạt nhân nhằm thoát khỏi các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong bối cảnh giá dầu đang được giao dịch ở mức khá cao trên thị trường quốc tế.
Với ý chí chính trị mạnh mẽ, Iran sẵn sàng từ bỏ một số "lằn ranh đỏ" để ưu tiên các lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, triển vọng hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn rất mong manh.
Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đang bước vào giai đoạn quyết định cuối cùng.
Các cuộc đàm phán bắt đầu từ tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna của Áo nhưng đã bị đình trệ từ tháng 3/2022 do những khác biệt chính trị giữa Mỹ và Iran, đặc biệt Tehran đã đưa ra một số yêu cầu mà Washington cho là các yêu sách thái quá.
Sau 16 tháng Mỹ và Iran tiến hành đàm phán gián tiếp thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU), ngày 8/8, EU đã đưa ra bản dự thảo "văn bản cuối cùng" về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Bản dự thảo xác định các bước mà Iran và Mỹ sẽ phải thực hiện để quay trở lại việc tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
[Các doanh nghiệp Iran sẽ đầu tư 39 tỷ USD vào ngành dầu khí]
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, nhấn mạnh đây là văn bản cuối cùng và sẽ không được đàm phán lại.
Ông Borrell cũng nêu rõ đã đến lúc cần có các quyết định chính trị nhanh chóng để hoàn tất các cuộc đàm phán tại Vienna trên cơ sở văn bản do EU đề xuất để quay trở lại thực hiện ngay lập tức và đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ông Borrell đánh giá cao thiện chí của cả Iran và Mỹ ở thời điểm hiện tại, song ông nêu rõ các bên cần phải vượt qua những khó khăn về mặt chính trị để đạt được kết quả cuối cùng.
Theo quan chức EU, nếu dự thảo thỏa thuận bị từ chối, thế giới có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng và Iran sẽ phải đối mặt với khả năng bị cô lập.
Trong khi đó, Mỹ vẫn thể hiện lập trường cứng rắn đối với yêu cầu của Tehran về việc nới lỏng thực thi các lệnh trừng phạt đối với Iran, trong đó có các biện pháp trừng phạt nhằm vào Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Washington lưu ý để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, Iran phải từ bỏ các yêu cầu không liên quan đến thỏa thuận này.
Mỹ khẳng định triển vọng khôi phục bản thỏa thuận hạt nhân chỉ có thể được hiện thực hóa nếu như Iran từ bỏ các yêu sách thái quá, ám chỉ đến hai đề xuất của Iran gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kết thúc cuộc điều tra về cáo buộc liên quan tới hoạt động làm giàu urani của Iran và đưa IRGC ra khỏi danh sách khủng bố của Mỹ.
Trước đây, Iran luôn khẳng định lập trường rằng thỏa thuận cuối cùng cần phải đáp ứng các lợi ích kinh tế của nước này cũng như bảo đảm việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran, đồng thời yêu cầu Washington phải đưa IRGC ra khỏi "danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài" của Mỹ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhận thấy lập trường khó lay chuyển của Mỹ cũng như quan điểm rõ ràng của EU, trong bối cảnh Iran đang rất cần thoát khỏi các biện pháp trừng phạt để hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu, Tehran đã có sự điều chỉnh linh hoạt theo hướng nhượng bộ Washington. Động thái này được cộng đồng quốc tế đánh giá là rất tích cực.
Trong văn bản phản hồi đối với dự thảo thỏa thuận do EU đề xuất, Iran đã bỏ một số yêu cầu chủ chốt.
Tehran không còn yêu cầu Mỹ loại IRGC ra khỏi danh sách khủng bố và không đòi phía Mỹ phải đảm bảo không rút khỏi JCPOA một lần nữa.
Ngoài ra, Iran cũng không còn yêu cầu IAEA phải kết thúc cuộc điều tra về vật liệu hạt nhân không khai báo được tìm thấy tại các địa điểm của Iran vào năm 2019.
Những nhượng bộ nhất định của Iran được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã không thể thực hiện đúng kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội như đã cam kết, và không đạt được mục tiêu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây do những bế tắc trong vấn đề hạt nhân, sau một năm lên cầm quyền vào tháng 8/2021.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cho dù có phục hồi phần nào sau đại dịch COVID-19, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Iran trong năm 2022 gần như sẽ không cao hơn so với mức được ghi nhận 18 năm trước.
Đồng nội tệ rial ở thời điểm tháng 6/2022 đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong lịch sử, đẩy giá hàng hóa vốn chủ yếu được nhập khẩu tăng vọt, trong khi lạm phát lên tới 54%.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở giới trẻ lên tới 25%, thậm chí 50% ở một số vùng. Thâm hụt ngân sách vào khoảng 6,8% GDP trong nửa đầu tài khóa 2021-2022.
Liên hợp quốc đánh giá phần lớn trong số 82 triệu người Iran sống dưới mức nghèo khổ. Nhiều tập đoàn quốc tế lớn lần lượt rời khỏi thị trường Iran.
Iran có nguồn lực kinh tế rất dồi dào, với trữ lượng dầu thô được kiểm chứng khoảng 158 tỷ thùng và khí đốt 33.800 tỷ m3, lần lượt đứng thứ tư và thứ hai thế giới.
Sản lượng dầu thô của Iran từng ghi nhận mức 3,9-4,1 triệu thùng/ngày trước thời điểm bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, với lượng dầu xuất khẩu là 2,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Iran đã giảm mạnh xuống còn khoảng 2,57 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2022.
Việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi thỏa thuận hạt nhân được khôi phục sẽ là một bước ngoặt đặc biệt quan trọng, đem lại cơ hội để Iran thúc đẩy toàn diện nền kinh tế, nhất là khôi phục và thúc đẩy các hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí.
Đáng chú ý, Iran sẽ được tiếp cận khối tài sản khoảng 100 USD bị phong tỏa tại các ngân hàng nước ngoài do bị cấm vận.
Đây là tiền đề để Iran đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng sản xuất dầu khí vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong nhiều năm, cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế-xã hội khác.
Việc hồi sinh JCPOA sẽ giúp Iran giành lại thị phần đã mất sau thời gian dài bị cấm vận.
Bên cạnh đó, Tehran sẽ có cơ hội thực hiện nhiều thỏa thuận hợp tác dầu khí với các tập đoàn lớn và các đối tác quan trọng, trong đó có thỏa thuận hợp tác 25 năm được Iran và Trung Quốc ký vào tháng vào tháng 1/2022.
Trung Quốc sẽ đầu tư gần 400 tỷ USD vào các ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu của Iran.
Những nhượng bộ của Iran đã hé mở tia hy vọng về khả năng hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Có thể khẳng định cả Mỹ và Iran đều mong muốn kết thúc đàm phán và nhanh chóng thực thi trở lại thỏa thuận này.
Đối với Iran, nước này rất muốn đạt được thỏa thuận cuối cùng để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, qua đó các biện pháp trừng phạt có thể được bãi bỏ hoặc nới lỏng theo từng giai đoạn để giúp nền kinh tế Iran tái hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Đối với Mỹ, Washington nhận thấy Iran đã đạt được bước tiến "đáng báo động" trong chương trình làm giàu urani của mình. Tehran có đủ urani làm giàu ở cấp độ cao để chế tạo bom nguyên tử.
Giới ngoại giao phương Tây cũng đã cảnh báo thời gian không còn nhiều trong bối cảnh chương trình hạt nhân của Iran đang được đẩy nhanh mà không bị quốc tế giám sát chặt chẽ, cho dù cả Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đều khẳng định nước này không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mỹ muốn kiểm soát và giám sát hoạt động hạt nhân của Iran thông qua một thỏa thuận chặt chẽ hơn với các điều kiện do Mỹ áp đặt.
Bên cạnh đó, một khi thỏa thuận hạt nhân được nối lại, hàng triệu thùng dầu của Iran có thể sẽ gia nhập thị trường thế giới, giúp hạ nhiệt giá dầu đang ở mức cao khiến lạm phát trên toàn cầu tăng theo. Điều này cũng rất có lợi cho cả Mỹ và châu Âu.
Hồ sơ hạt nhân Iran luôn là vấn đề phức tạp và khó đoán định. Tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra trong bối mối quan hệ giữa Israel và các nước Arab đang nồng ấm hơn.
Tehran nhận thấy mình cần phải có những thay đổi nhất định về lập trường để không bị cô lập trong khu vực.
Israel, một đồng minh chủ chốt của Mỹ và đối thủ lớn của Iran tại Trung Đông, đang là tiếng nói phản đối mạnh nhất đối với thỏa thuận hạt nhân và đây là nguyên nhân đáng kể khiến Mỹ chưa có câu trả lời rõ ràng về thỏa thuận.
Thậm chí, Saudi Arabia, một đồng minh chủ chốt khác của Washington tại khu vực, cũng từng được cho là can dự vào kế hoạch của Mỹ trong việc xử lý hồ hạt nhân Iran.
Trong khi Israel yêu cầu Iran không bảo trợ cho phong trào Hezbollah và Hamas mà nước này coi là các tổ chức khủng bố, Saudi Arabia yêu cầu Tehran không mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước tại Trung Đông và không tài trợ cho các lực lượng như Houthi ở Yemen.
Theo đánh giá của giới phân tích khu vực, những diễn biến mới nhất cho thấy nhiều khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 có thể được nối lại, nhưng vấn đề "sớm hay muộn" đòi hỏi cả Mỹ và Iran cần có sự thỏa hiệp và nhượng bộ hơn nữa./.