Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 26 diễn ra tại Trung tâm triển lãm ở thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất Italy, trong các ngày từ 3-11/12.
Hội chợ có sự tham gia của hơn 2.300 doanh nghiệp đến từ gần 100 quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam và thu hút được 1 triệu khách tham quan.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã có cuộc gặp và làm việc với ông Antonio Intiglietta, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành công ty Gestione Fiere (Ge.Fi. S.p.A), nhà tổ chức của hội chợ này, để thảo luận khả năng hợp tác nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ trong thời gian tới, đặc biệt là vào năm 2023 trong dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy.
[Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Italy]
Phát biểu tại cuộc trao đổi, Đại sứ Dương Hải Hưng đánh giá cao quy mô và uy tín của Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Milan, chúc mừng hội chợ được tổ chức tự do trở lại sau thời kỳ hạn chế do đại dịch COVID-19.
Đại sứ bày tỏ vui mừng trước việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã biết đến và tham gia hội chợ này từ rất sớm.
Đại sứ khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Italy sẽ phối hợp với các bộ ngành và doanh nghiệp hữu quan nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ này, cho rằng đây là một cơ hội quan trọng không chỉ để kết nối doanh nghiệp với thị trường mà còn nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đến với bạn bè Italy và quốc tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia hội chợ từ những năm 2000 để giới thiệu với bạn bè quốc tế các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông sản, đồ quà tặng...
Hội chợ là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm và tiếp cận trực tiếp với khách hàng, người tiêu thụ cũng như các doanh nghiệp đối tác, qua đó tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng các kế hoạch kinh doanh sản xuất phù hợp nhằm đưa hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào thị trường Italy và châu Âu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Intiglietta nói: “Sự hiện hiện của những gian hàng thủ công Việt Nam tại hội chợ mang tính lịch sử từ nhiều năm nay và thu hút được sự quan tâm rất lớn của công chúng Italy. Sự hiện diện tuyệt vời của họ góp phần mang đến lịch sử, văn hóa thông qua việc trưng bày các sản phẩm."
"Chúng tôi đã thảo luận ý tưởng mở một khu vực dành riêng cho Việt Nam với sự hiện diện của những ngành nghề, thợ thủ công, văn hóa và để xúc tiến du lịch của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tạo ra một không gian rất có ý nghĩa với tầm nhìn rộng lớn, đem đến những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự hiện diện của toàn bộ đất nước Việt Nam.”
Ngày hội lớn nhất của các doanh nghiệp ngành thủ công thủ công mỹ nghệ thế giới, được tổ chức từ năm 1996, là nơi lý tưởng để các nghệ nhân từ khắp nơi trên thế giới có thể giới thiệu sản phẩm và những nét đặc sắc của quốc gia mình.
Điểm khác biệt của hội chợ này là các doanh nghiệp không chỉ có thể quảng bá và bán sản phẩm của mình cho công chúng và phát triển mạng lưới khách hàng trong thời gian tổ chức hội chợ, mà còn trong suốt cả năm, với nền tảng kỹ thuật số có 1 triệu thành viên đăng ký, cho phép các doanh nghiệp tự quảng cáo và duy trì mối quan hệ thường xuyên với các khách hàng truyền thống và tiềm năng.
Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano tại thành phố Milan là dịp để các doanh nghiệp trong ngành trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, có cơ hội nắm bắt nhu cầu của thị trường, quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới khách hàng, cũng như học tập kinh nghiệm sản xuất và cải tiến mẫu mã của các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị cao về chất lượng và thẩm mỹ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Italy là một trong những thị trường lớn nhất và dễ thâm nhập nhất trong Liên minh châu Âu (EU) về hàng thủ công mỹ nghệ, với tổng kim ngạch buôn bán hàng năm các sản phẩm này lên tới hơn 20 tỷ euro./.