Phát triển ngành cơ khí được coi là nền tảng cho việc phát triển ngành công nghiệp ôtô.
Trải qua nhiều năm phát triển, lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất ôtô trong nước vẫn đang tỏ rõ nhiều yếu kém với số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất hạn chế, chưa sản xuất được các cụm chi tiết phức tạp... khiến tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ôtô còn ở mức thấp.
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được xem như “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất các linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành cơ khí nước ta hiện nay?
Ông Đỗ Hữu Hào: Công nghiệp cơ khí được coi là hạ tầng, nền tảng của các lĩnh vực công nghiệp; trong đó có phát triển công nghiệp ôtô. Thông qua Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ vươn tới sản xuất hơn 227.000 chiếc, có thể nhận thấy, cơ hội phát triển cho ngành cơ khí chế tạo trong nước là rất lớn.
Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, hiện nay, số các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cho ôtô chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (từ 5-6%) trên tổng số các doanh nghiệp cơ khí. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp đơn thuần sản xuất những linh kiện, phụ tùng không quan trọng như ắc quy, săm lốp, dây điện, ghế, khung bệ, vỏ ôtô... và cũng chỉ được tiêu thụ trong nước; chưa sản xuất được các cụm chi tiết đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ khí cũng còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn vốn đầu tư... Điều này khiến cho tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước nhiều năm qua chỉ đạt từ 5-10%.
- Vậy theo ông, lý do nào khiến tỷ lệ nội địa hóa ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước ở mức thấp như vậy?
Ông Đỗ Hữu Hào: Tỷ lệ nội địa hóa ngành cơ khí chế tạo, hỗ trợ cho sản xuất ôtô trong nước còn thấp, sâu xa nhất vẫn là vấn đề về thị trường. Tôi cho rằng, trong một thời gian dài, hạ tầng giao thông trong nước yếu kém nên dẫn đến ùn tắc. Và giải pháp hữu hiệu nhất đối với ngành giao thông vận tải là hạn chế số lượng ôtô - xe máy.
Chính sự kìm hãm phát triển này khiến 10 năm qua, thị trường ôtô của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất chậm, chỉ tăng từ 15.000-20.000 xe/năm lên khoảng hơn 100.000 xe/năm.
Lý do thứ hai là với các chính sách thuế, phí thì một chiếc ôtô phải chịu 8-9 loại thuế phí khác nhau, khiến giá trị xe tăng lên gấp 2,5 lần so với các nước. Đây vẫn là bài toán liên quan đến việc hạn chế sử dụng xe.
Khi tăng thuế, phí thì rõ ràng sẽ khiến dung lượng thị trường nhỏ. Với mức tiêu thụ thị trường Việt Nam khoảng 120.000 xe/năm như hiện nay, chia cho nhiều hãng như Toyota, Ford, Trường Hải, Mercedes... thì mỗi doanh nghiệp chỉ lắp và tiêu thụ từ 5.000-10.000 xe/năm.
Con số này là quá nhỏ, không thể đủ thị trường cho phát triển công nghiệp cơ khí, cũng như tăng tỷ lệ nội địa hóa. Một doanh nghiệp lắp ráp ôtô chỉ cần lắp 5.000 xe là có lãi lớn, nhưng một doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng, nếu chỉ làm 5.000-10.000 phụ tùng nhỏ lẻ thì không thể có lãi.
Vì vậy, theo tôi, muốn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất cung ứng linh phụ kiện và các cụm chi tiết phức tạp thì dung lượng thị trường phải lớn, tối thiếu mức tiêu thụ của thị trường phải đạt khoảng 400.000-500.000 xe/năm. Lúc đó, các doanh nghiệp sẽ tự tham gia sản xuất cung ứng linh kiện, phụ kiện cho sản xuất ôtô và ngành cơ khí hỗ trợ sẽ tự phát triển.
- Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đứng ở mức nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Hào: So với các nước trong khu vực, hiện tại ngành cơ khí trong nước vẫn còn yếu và kém trong lĩnh vực sản xuất ôtô. Hiện trong nước chỉ sản xuất khoảng 10% phụ tùng cho ôtô, trong khi ở Thái Lan đã nội địa hóa được 40-50%, Trung Quốc là 60%, Malaisia khoảng 90%...
Có thể nói, Việt Nam chưa có công nghiệp sản xuất ôtô, mà chỉ mới dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất các linh phụ kiện, có giá trị đem lại không cao. Chúng ta phải nghiên cứu trình độ cơ khí của Việt Nam đến đâu, có thể sản xuất được những mặt hàng thế mạnh cho ngành công nghiệp ôtô, còn yếu ở luyện kim hay thiết kế, gia công. Từ đó sẽ đào tạo, giúp doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất những sản phẩm lợi thế...
- Quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra mục tiêu cùng sự thống nhất trong chính sách phát triển với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành cơ khí. Ông đánh giá thế nào về cơ hội này?
Ông Đỗ Hữu Hào: Cơ hội dành cho các doanh nghiệp cơ khí luôn còn rất lớn, nhưng thực tế để triển khai được là rất khó. Nếu chúng ta không tập trung vào một số lĩnh vực, nghiên cứu vào sản xuất chế tạo những sản phẩm thế mạnh ở Việt Nam thì mục tiêu tăng tỷ lệ công nghiệp cơ khí hỗ trợ lên 40-50% là không khả thi.
Trải qua hơn 10 năm phát triển công nghiệp ôtô thì tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất thấp, chỉ khoảng 10%. Chỉ khi nào chúng ta có được một thị trường đủ lớn, khoảng 500.000 xe/năm, bước vào thời kỳ ôtô hóa thì lúc đấy khả năng sản xuất công nghiệp cơ khí, phụ trợ mới chuyển mình phát triển được.
- Trước thực tế này, theo ông, các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp cơ khí chế tạo phải làm gì để có thể tận dụng tốt cơ hội lần này?
Ông Đỗ Hữu Hào: Để phát triển lĩnh vực cơ khí chế tạo cho ngành công nghiệp ôtô, tôi cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như làm săm lốp với lợi thế về cao su...
Chúng ta có thể thực hiện thí điểm ở một số nơi như Chu Lai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh..., nơi đã hình thành các nhà máy ôtô, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất phụ tùng cho các nhà sản xuất chính như Honda, Toyota, Ford..., với điều kiện phải theo sự giới thiệu, đào tạo và quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng của họ.
Trước mắt là cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Sau đó mới có thể dần dần tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng xe ôtô và toàn cầu.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng cần có những quy hoạch để phát triển thị trường xe ôtô. Khi dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp sản xuất sẽ tự đầu tư, liên kết sản xuất và tham gia cung ứng cho thị trường.
Trong thời gian tới, theo tôi, có thể tập trung nghiên cứu sản xuất ôtô điện, bởi đây là lĩnh vực mới. Nếu đi tắt đón đầu, tập trung vào những mũi nhọn cụ thể thì cơ hội cung ứng cho trong nước và xuất khẩu sang các nước với mặt hàng này là có thể thực hiện được.
- Xin cảm ơn ông./.