Với “Lời nguyện cầu chín năm trước,” Ono Masatsugu đã vẽ nên bức tranh sinh động về một vùng nông thôn Nhật Bản - nơi lưu giữ nét xưa cũ trong nếp sống và những nét tính cách đặc trưng của người Nhật.
Nơi “cự tuyệt” thế giới bên ngoài
Đó là một làng chài trên đảo Kyushu, phía Tây Nam của đất nước Mặt Trời mọc. Mảnh đất ấy dường như muốn “cự tuyệt” mọi thứ từ thế giới bên ngoài.
Cuộc sống nơi đây diễn ra đơn điệu với những mảnh đời tù túng: Một bà mẹ trẻ đơn thân với đứa con mắc chứng tự kỷ; một gã nát rượu bị vợ bỏ; một phó giám đốc nhu nhược, sắp lên chức ông ngoại nhưng vẫn sợ bị bố và các anh trai mắng; một bà lão ly dị chồng từ khi còn trẻ, ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng vẫn không thôi bị ám ảnh bởi bà mẹ chồng vốn là một pháp sư…
Tác giả Ono Masatsugu gọi đó là nơi “người chết và người sống cùng sinh sống với nhau.” Dẫu vậy, “Lời nguyện cầu chín năm trước” lại không bị bao phủ bởi màu sắc u ám, bi quan.
Tập truyện mở đầu với câu hỏi: “Thế nào là nỗi đau? Liệu chúng ta có khổ sở hơn về nỗi đau của mình nếu nỗi đau đó được người khác biết đến?” Cuộc sống, số phận của các nhân vật trong đó (từ cô gái trẻ đến bà lão 80 tuổi, từ câu thanh niên cho đến gã đàn ông trung niên trải đời) sẽ đưa đến cho người đọc những câu trả lời riêng.
Hiện thực và quá khứ đan xen. Cuộc sống ở làng chài ấy là một bức tranh nhuốm màu buồn nhưng không hề bi lụy.
[Photo: Khám phá văn hóa Nhật Bản qua các ngôi chùa ở Kyoto]
Thay vì buông xuôi hay tuyệt vọng, giấu mình trong vỏ ốc, các nhân vật trong tập truyện “Lời nguyện cầu chín năm trước” vẫn luôn kiếm tìm những điểm tựa, dù nhỏ bé, để bám víu, bước qua những nghiệt ngã của cuộc sống. Họ nương vào ký ức về những ngày đã qua để trụ vững trong hiện tại.
Nỗi đau - một phần của cuộc sống
Trong buổi giao lưu với độc giả Việt Nam vào sáng 31/10 vừa qua (tại Hà Nội), nhà văn Ono Masatsugu cho biết, ông viết “Lời nguyện cầu chín năm trước” từ chính nỗi đau của bản thân - khi anh trai mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời.
“Đối diện và vượt qua nỗi đau mất người thân - đó là một hành trình đầy khó khăn, nghiệt ngã. Dẫu vậy, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và ta vẫn phải bước tiếp. Nỗi đau là một phần của cuộc sống, là thứ ta không thể chối bỏ. Dù ta cố gắng trốn tránh thì nó vẫn cứ hiện hữu, đồng hành với ta trong đời sống,” nhà văn chia sẻ.
Bởi vậy, Ono Masatsugu chọn lối viết nhẹ nhàng, một cách viết không đau về nỗi đau; để khi gấp sách lại, người đọc không hề thấy u ám hay mang tâm trạng nặng nề. “Việc coi nỗi đau như một phần không thể chối bỏ của cuộc sống để tự giải thoát mình khỏi sự dằn vặt, trạng thái tiêu cực” là thông điệp mà nhà văn Ono Masatsugu muốn gửi tới độc giả qua tập truyện này.
Trong truyện ngắn “Bão,” Ono Masatsugu viết: “Niềm đam mê trong tôi khiến tôi đau nhưng đồng thời cũng làm tôi dễ chịu. Theo ngôn ngữ y học thì người ta gọi đó là một nỗi đau tuyệt vời. Họ không nói về nỗi dằn vặt. Họ nói về một trò chơi, một nỗi đau lặp đi lặp lại, ám ảnh và trở nên không thể thiếu. Một nỗi đau mà ta phải yêu nó, bởi lẽ, nếu nó chấm dứt, thì mọi thứ trở nên trống rỗng và chỉ còn nước chết đi cho rồi”.
Các nhân vật của ông trong cả bốn truyện ngắn ở “Lời nguyện cầu chín năm trước” dù phải đối diện với bất cứ nỗi đau, khó khăn nào cũng luôn tìm cách “chuyển hóa” thành những điều giản dị trong cuộc sống.
“Giờ đây nỗi buồn không còn ở trong Sanae nữa. Nó đang đứng ngay phía sau lưng cô. Sanae hiểu rằng dù có quay đầu lại cũng không thể nhìn thấy nó dưới ánh nắng. Cô cảm thấy nỗi buồn đang cựa quậy. Nó khom người, đặt bàn tay lên trên tay của Sanae rồi khẽ xoa xoa như để an ủi cô. Nỗi bất an không biết mất. Tay con trai cô lạnh ngắt. Vì vậy Sanae dồn sức vào đôi tay mình. Cô nhắm mắt, gục đầu xuống. Nỗi buồn ghé vào tai Sanae, thì thào điều gì đó nghe như một lời ám. Cô không muốn nghe. Không được phép nghe. Cô áp mặt mình chặt hơn vào đầu, vào mái tóc mềm mại của con trai. Cô cảm nhận cái nóng. Cô ngửi thấy thoang thoảng mùi thủy triều. Mùi của con trai lan khắp khứu giác cô…” (Ono Masatsugu trong truyện ngắn được lấy làm nhan đề chung cho cả tập truyện - “Lời nguyện cầu chín năm trước”).
Ono Masatsugu thường lựa chọn ngôi thứ ba để kể. “Tôi thích việc tìm hiểu, khám phá những ranh giới mong manh, những khoảng mờ đục trong thế giới nội tâm của con người. Dẫu vậy, khi viết, tôi lại đẩy mình ra xa, trở thành người quan sát, để mọi diễn biến, câu chuyện được tái hiện, kể lại một cách chân thực, khách quan nhất có thể,” nhà văn cho biết.
Năm 2015, truyện ngắn “Lời nguyện cầu chín năm trước” được trao giải Akutagawa - một giải thưởng văn học danh giá của Nhật Bản.
Bản dịch tập truyện “Lời nguyện cầu chín năm trước” do Nhà xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành tháng 10/2017./.
Nhà văn Ono Masatsugu sinh năm 1970 tại tỉnh Oita (Nhật Bản).Một số tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt: "Lời nguyện cầu chín năm trước," "Trôi trên vịnh," "Tiếng hát người cá"...