“Một đất nước Nhật Bản yên bình và gần gũi. Đó là ấn tượng mà bộ ảnh chụp cảnh vật thiên nhiên, con người Nhật Bản cuối thế kỷ 19 của họa sỹ người Pháp Louis-Jules Dumoulin (1860-1924) mang lại cho tôi,” kiến trúc sư Đoàn Bắc chia sẻ.
Thật tình cờ, sau hơn một thế kỷ, bộ ảnh về đất nước Mặt Trời mọc do một nghệ sỹ châu Âu chụp đã được phục chế bởi một kiến trúc sư Việt Nam có niềm cảm mến đặc biệt với Nhật Bản và say mê ảnh cổ.
Những bức ảnh bị lãng quên
- Thưa kiến trúc sư Đoàn Bắc, cơ duyên nào đưa anh đến với bộ ảnh cổ này?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Có thể nói, đây là một bộ ảnh rất quý về đất nước, con người Nhật Bản trong những thập niên cuối của thế kỷ 19, chưa từng được công bố. Những trang web nổi tiếng về các bộ ảnh cổ Nhật Bản đều không hề đăng tải bộ ảnh này. Nó được “cất” kỹ ở Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại ở Aix-en-Provence (miền Nam nước Pháp). Có lẽ, chính người Pháp cũng đã lãng quên bộ ảnh này.
Năm 2007, thầy tôi - nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi [nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga-Đại học Hà Nội - PV] có một chuyến công tác ở Pháp. Trước khi trở về Việt Nam, những học giả Pháp làm việc ở trung tâm này đã tặng thầy một chiếc đĩa CD, trong đó có khoảng 6.000 bức ảnh về Đông Dương và các nước Đông Á khác ở thế kỷ 19.
Thầy đã tặng lại tôi chiếc đĩa CD ấy. Khi xem, tôi cảm thấy thực sự ấn tượng và bị cuốn hút bởi bộ ảnh Nhật Bản trong đó. Tôi đã dành ra khoảng 5 năm để phục chế lại những bức ảnh này.
- Anh có thể giới thiệu rõ hơn về bộ ảnh này được không, thưa kiến trúc sư?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Bộ ảnh này bao gồm 381 bức, do họa sỹ người Pháp Louis-Jules Dumoulin chụp trong các năm 1880, 1890, 1895 và 1897. Có lẽ, điểm xuất phát của hải trình này là cảng Đồ Sơn- Hải Phòng (Việt Nam).
Từ năm 1873, cảng này được nâng cấp thành một thương cảng. Từ đây, Louis-Jules Dumoulin đã theo chân các tàu buôn của Pháp để tới Nhật Bản, đi dọc các bờ biển từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc.
Louis-Jules Dumoulin có những góc chụp rất ấn tượng. Ông vốn là một họa sỹ vẽ tranh phong cảnh. Bởi thế, ông thường ưu tiên chụp ảnh phong cảnh để làm tư liệu và thường chọn những vị trí cao để chụp những bức ảnh toàn cảnh.
Cũng bởi đi theo các tàu buôn nên Louis-Jules Dumoulin chủ yếu chụp các cảng biển. Bên cạnh đó, ông cũng mê mẩn những cánh rừng.
Không chỉ có vậy, những bức ảnh của ông cũng phản ánh muôn mặt đời sống của Nhật Bản thời kỳ này: những nghề thủ công truyền thống (dệt vải, làm gốm…), các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng (chè, lúa gạo…), các công trình kiến trúc, đời sống của các geisha, chân dung các võ sỹ sumo, samurai, người nông dân Nhật Bản…
Đặc biệt, ở các bức ảnh chụp những người đàn ông Nhật Bản, Dumoulin đã chớp được thần thái thể hiện qua ánh mắt với khí phách mạnh mẽ rất đặc trưng, đáng nể phục.
Khi so sánh với các bộ sưu tập ảnh cổ khác về Nhật Bản, tôi nhận thấy, nếu như các nhiếp ảnh gia khác thường chọn chụp những lúc đông đúc thì Louis-Jules Dumoulin lại chọn những khoảng tĩnh mịch, lặng lẽ, vắng vẻ để thu vào ống kính.
Ẩn số
- Anh cảm thấy ấn tượng nhất với điều gì ở bộ ảnh cổ này?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Những bức ảnh của Louis-Jules Dumoulin có bố cục rất chặt chẽ.
Từ cách đây hơn một thế kỷ mà Louis-Jules Dumoulin đã chụp được những bức ảnh có độ tương phản ánh sáng như vậy quả là một ẩn số.
- Khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải trong quá trình phục chế những bức ảnh cổ này là gì?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Tác giả những bức ảnh và các nhân vật trong đó đều đã là những người thiên cổ. Theo thời gian, cảnh vật cũng đã khác trước.
Nhiều bức ảnh chỉ xác định được thời gian chụp mà không thể xác định được địa điểm cụ thể. Hơn thế, nhiều địa danh được chú thích trong các bức ảnh hiện nay, không thể tìm thấy trên bản đồ.
Tôi và những người bạn Nhật Bản của mình phải dựa vào vị trí của các ngọn núi, bờ biển để xác định các địa danh trong bức ảnh. Bởi trên thực tế, cây cối, nhà cửa có thể khác xưa nhưng vị trí của những ngọn núi và vùng biển là không đổi.
- Nhà giáo Vũ Thế Khôi có chia sẻ: “Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, những người bạn Pháp tặng tôi chiếc đĩa CD ấy không phải để tôi giữ khư khư làm tài liệu cá nhân, chỉ một mình mình có, một mình mình biết. Bởi thế, tôi tặng Đoàn Bắc chiếc đĩa vì tôi tin, qua Đoàn Bắc, sẽ có nhiều người tiếp cận, biết được bộ ảnh đó. Như vậy, tôi cũng đền đáp được tấm thịnh tình của những người đã tặng tôi nhiều hơn.” Còn với anh, anh muốn đền đáp tấm lòng ấy như thế nào?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Tiến hành phục chế lại những bức ảnh này, mục đích của tôi cũng không nằm ngoài việc hy vọng rằng, chúng sẽ được lan tỏa nhiều hơn. Đây là một nguồn tư liệu vô giá về lịch sử, đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản.
Tôi hy vọng rằng, thời gian tới, bộ ảnh này có thể trở về Nhật Bản - nơi nó đã được sinh ra.
- Trân trọng cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị về một bộ ảnh ấn tượng./.