Có nên hạ giải kiến trúc Pháp để phục dựng toàn vẹn điện Kính Thiên?

Các chuyên gia khảo cổ học đã phát lộ thêm nhiều công trình liên quan đến khu vực điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, từ đó diện mạo di sản trở nên ngày một rõ ràng hơn.
Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (bìa phải) cùng các chuyên gia bên một miệng giếng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy dấu vết Ngự Đạo (lối đi dành cho vua) thời Lê sơ tại di tích Hoàng thành Thăng Long. Đó là phát hiện lớn nhất của cuộc khai quật khảo cổ học năm 2022 trên diện tích 990m2 thuộc khu vực chính điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long.

Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo khoa học để báo cáo sơ bộ kết quả khai quật này vào ngày 22/11.

Nhiều phát hiện mới về điện Kính Thiên

Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, người phụ trách công trường khai quật cho biết địa tầng thời Lê sơ và Lê Trung hưng tiếp tục phát lộ dấu tích sân Đan Trì và đường Ngự Đạo.

Đặc biệt, tại các hố thám sát ở khu nhà Cục Tác chiến, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm thấy Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn; hố thám sát ở giữa lòng nhà xuất lộ hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều Đông-Tây có khả năng là hàng gạch bó nền ngăn sân Đại Triều làm 2 cấp khác nhau.

Toàn cảnh khu vực mới được khai quật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Móng Ngự Đạo chạy theo hướng Bắc-Nam, kéo dài từ cổng Đoan Môn tới thềm rồng Chính điện Kính Thiên. Theo phán đoán của các nhà khảo cổ, Ngự Đạo có thể được lát bằng đá xanh. Những viên đá lát này đã tìm thấy phía trong lòng nhà Cục tác chiến. Các viên đá hình chữ nhật, nhiều kích thước, độ dày tương đối đồng nhất (dài 40-80cm, rộng 21,5-51cm, dày 9-16cm).

Ở lớp văn hóa thời Lý và thời Trần, các dấu tích kiến trúc tiếp tục được làm sáng tỏ hơn như; dấu tích bức tường lớn chạy theo chiều Đông-Tây với nhiều lần cải tạo mở rộng, bức tường này có thể bao quanh khu vực tương đối lớn và có nhiều kiến trúc quan trọng vì thế người xưa đã mở nhiều cống nước đi qua chân tường, đổ vào đường nước lớn.

Sau khi khai quật lớp mặt, ở độ sâu trung bình 1,1m so với mặt bằng tại chỗ, các chuyên gia đã làm xuất lộ hệ thống kiến trúc thời Lê Trung hưng với 4 loại hình dấu tích gồm: Dấu tích sân Đan Trì, dấu tích Ngự đạo, dấu tích bó nền trên sân Đan Trì cùng một kiến trúc chưa xác định có chân tảng đá nhỏ.

Trước phát hiện này, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử cho hay vào thời Lê sơ và Lê Trung hưng, sân Đan Trì (hay sân chầu, sân Đại Triều, sân điện Kính Thiên) là nơi diễn ra các nghi lễ quốc gia quan trọng nhất của đất nước. Các cuộc khai quật thăm dò tại đây đều đã tìm thấy dấu vết sân Đan Trì.

Các chuyên gia đứng trên nền sân Đan Trì mới được phát lộ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo báo cáo khảo cổ học, dấu tích sân Đan Trì thời Lê Trung phân bố rộng khắp hố khai quật. Dấu tích đã bị đào phá rất mạnh tại nhiều vị trí bởi các hoạt động, công trình giai đoạn sau (thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời hiện đại). Sân Đan Trì chạy theo hướng Bắc-Nam, trải dài từ thềm rồng điện Kính Thiên tới cổng Đoan Môn, được dấu vết móng đầm gia cố trục Ngự Đạo phân chia thành 2 khu vực Đông-Tây.

Mặt sân Đan Trì được lát từ gạch vồ nhiều kích thước, phần lớn là gạch vồ giai đoạn Lê Trung hưng nhưng có hiện tượng tái sử dụng gạch vồ Lê sơ tại một số vị trí. Gạch vồ xám chiếm số lượng chủ yếu, gạch vồ đỏ có số lượng rất ít và chủ yếu xuất lộ tại khu vực phía trước thềm rồng điện Kính Thiên.

[Hà Nội: Xây dựng Hoàng thành Thăng Long thành công viên di sản]

Cũng trong đợt khai quật này, hàng nghìn hiện vật đã được tìm thấy gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, trong đó đặc biệt giá trị là mảnh mô hình tháp đất nung thời Trần, đồ dùng sinh hoạt Hoàng cung và một số ít thời tiền Thăng Long.

Bí ẩn cần giải mã 

Cuộc khai quật năm 2022 với nhiều kết quả quan trọng thu được tiếp tục mở ra những nhận thức mới về các giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường cho rằng dưới lòng đất khu vực trung tâm cấm thành còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong thời gian tới: Cấu trúc chi tiết và tổng thể của Đan Trì như thế nào? Các cấp nền Đan Trì cao thấp và quy mô phân cấp đến đâu? Các làn đường nhỏ trên sân Đan Trì đã phát hiện, dấu tích có còn ở hướng Bắc và hướng Nam không?

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tại cuộc hội thảo, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử cũng đưa ra vấn đề hạ giải khu nhà Cục Tác chiến để mở rộng phạm vi khai quật, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về khu vực điện Kính Thiên.

Nhà Cục tác chiến là tòa nhà hai tầng nơi trước đây Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) làm việc. Đây cũng là khu nhà có mặt trong hồ sơ di sản UNESCO của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Hiện nay, từ cổng Đoan Môn nhìn vào, tòa nhà do Pháp xây dựng này đang che khuất tầm nhìn chính vào điện Kính Thiên đồng thời làm giảm vẻ uy nghiêm của điện Kính Thiên.

Nhiều nhà khoa học đưa ra ý kiến cần hạ giải hoặc di dời tòa nhà này để đảm bảo mục tiêu làm liền mạch trục trung tâm từ Đoan Môn tới điện Kính Thiên.

Khu nhà Cục Tác chiến đang làm đứt gãy kiến trúc của điện Kính Thiên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Theo nghiên cứu, đây là khu nhà cấp IV nằm trong danh mục tháo dỡ của dự án tháo dỡ 58 nhà không có giá trị lịch sử trong thành phố Hà Nội. Kết quả khảo sát năm 2007 cho thấy đây không phải là di tích lịch sử và không có giá trị sử dụng theo đánh giá phân loại của Hội đồng khoa học thành phố. Tòa nhà này sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao cho thành phố Hà Nội để trống không sử dụng, tới năm 2010 mới được sửa sang để đón du khách,” ông Trần Đức Cường cho hay.

Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch), hiện là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đồng tình với quan diểm hạ giải tòa nhà bởi công trình này không ảnh hưởng đến giá trị của khu di sản.

“Chúng ta cần xác định ưu tiên bảo tồn, phục dựng cái gì vì thực tế là không thể nào giữ nguyên hiện trạng tất cả các công trình trên khu vực di tích. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng tòa nhà này là trại lính của người Pháp, vậy nên chăng có thể hạ giải, di dời để đảm bảo không gian toàn vẹn cho điện Kính Thiên,” ông Đặng Văn Bài nêu quan điểm.

Trước đề xuất này, ông Phạm Vinh Quang, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, nhất trí cho rằng khôi phục không gian điện Kính Thiên là mục tiêu quan trọng cần ưu tiên. Song, với việc hạ giải công trình trong khu di sản, các nhà khoa học và cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thận trọng cân nhắc, sau đó xây dựng đề án thuyết phục để trình UNESCO chấp thuận./.

Một số hiện vật mới được phát lộ:

(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục