Tại phiên thảo luận diễn ra sáng nay (28/5), nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp.
[Doanh nghiệp nhà nước - Hiệu quả chưa tương xứng nguồn lực]
Có hiện tượng lợi ích nhóm?
Theo báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Đoàn giám sát quốc hội, cuối năm 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần.
Tổng tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng.
Đơn cử, tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%...
Cũng theo báo cáo, qua 11 năm triển khai bán vốn nhà nước, công tác bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp, đến 30/9/2017 kết quả bán vốn thu được gấp 3,4 lần giá vốn.
Tuy nhiên, quá trình quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty chưa triệt để tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước; quyền chủ sở hữu và chủ động kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa bóc tách rõ ràng; chưa có đầu mối chịu trách nhiệm chính việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước...
"Ở một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp Nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước, buộc phải xử lý cán bộ vi phạm mắc sai phạm", báo cáo nêu.
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Lạng Sơn) đề cập đến tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ.
Cho rằng nhiều Bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là sân sau. Đại biểu đặt câu hỏi: "Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi.”
Cũng theo nữ đại biểu đoàn Lạng Sơn, bảo toàn vốn doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chỉ bảo tồn vốn, tài sản trên sổ sách còn giá trị thực tế giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết.
Do vậy, đại biểu đề nghị, chính sách khấu hao cần nghiên cứu lại để "vốn bỏ ra tương đương một chiếc ôtô thì 10 năm sau vốn đó vẫn phải đủ giá trị mua chiếc xe tính năng tương đương."
Tránh tình trạng "bên ra sức thoái vốn, bên lại mua vào"
Đồng tình về báo cáo nêu, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát đã khái quát kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế của tình hình sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp cũng như việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Tuy vậy, đại biểu Hàm cũng đề nghị Chính phủ quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), không để công ty này đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt và nhà nước đang thoái vốn.
"Cân nhắc không nên để tình trạng cùng là doanh nghiệp nhà nước nhưng một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào", đại biểu Hàm nêu quan điểm.
Đại biểu tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát và xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, không chỉ có 12 dự án của ngành Công thương hay Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin mà cần rà soát tổng thể, qua đó đảm bảo không để mất vốn do thua lỗ kéo dài, hao mòn tài sản, chi phí lãi vay.
"Ý kiến của cử tri huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ rất bức xúc trước việc 50 hécta bờ xôi ruộng mật đã di dời làm nhà máy Ethanol. Dự án chi hàng hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã dừng triển khai 5, 6 năm nay, nhà xưởng thiết bị máy móc đắp chiếu, rất xót xa", đại biểu Hàm nêu ý kiến.
Nhấn mạnh về báo cáo của Đoàn giám sát, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn nêu rõ, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC còn chậm, quy mô còn hạn chế.
Theo đó, qua 10 năm hoạt động, vốn nhà nước do SCIC tiếp nhận quản lý mới khoảng 1% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo giá trị sổ sách), trong khi 99% vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn do các Bộ, địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tuy có sự phân công, phân cấp nhưng hiệu quả chưa cao. Hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động kém hiệu quả, chưa đủ nhạy bén để giám sát và cảnh báo kịp thời cho người đại diện chủ sở hữu các sai phạm, nhiều vụ việc sai phạm thời gian vừa qua đều được phát hiện sau thanh tra, kiểm toán khi đã xảy ra sai phạm nên việc khắc phục hậu quả rất khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu một số thực tế đó là công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ không tốt, có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ bị tê liệt không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân, vi phạm điều lệ doanh nghiệp, quy chế làm việc của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc... Thậm chí người đứng đầu, cán bộ quản lý tại một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
"Một số vụ việc tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp nhà nước," Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh thêm./.