Theo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), Tổng công ty đang khẩn trương hoàn thành việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và tổ chức công đoàn.
Cùng với đó là giải quyết các tồn tại về nhà, đất trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định của pháp luật, theo đúng tiến độ trong phương án cổ phần hóa Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tháng 4/2018 sẽ đại hội cổ đông và chuyển sang công ty cổ phần.
Mới đây, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã IPO thành công 22,97% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư. Việc bán thành công này cho thấy, các nhà đầu tư đã đánh giá và nhận thấy tiềm năng kinh doanh của tổng công ty trong lĩnh vực kinh doanh lương thực.
Trong giai đoạn trước, tổng công ty cũng đã có nhiều khó khăn, tồn tại, đặc biệt là về tài chính, vì vậy rất cần có nhà đầu tư có năng lực để tái cơ cấu, nhất là nâng cao quản trị doanh nghiệp nhằm lấy lại vị thế của tổng công ty trong lĩnh vực kinh doanh lương thực.
Điều này đã được thể hiện phần nào với kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm nay của Vinafood 2 khi đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ và lợi nhuận công ty mẹ lãi 21,2 tỷ đồng, trong khi 2 tháng đầu năm 2017 lỗ 58 tỷ đồng, tổng lỗ 2017 là 124 tỷ đồng, lỗ lũy kế lớn.
Không chỉ kỳ vọng về tăng trưởng trong kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng giám đốc Vinafood 2 mong muốn, việc cổ phần hóa sẽ huy động thêm nguồn lực xã hội, đặc biệt là có thêm những chiến lược kinh doanh và cách điều hành quản trị doanh nghiệp mới sao cho chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, phát huy tốt tiềm năng sẵn có của tổng công ty.
[Vinafood2: IPO thành công 100% cổ phần ra công chúng]
Vinafood 2 xác định ngành nghề kinh doanh chính vẫn là lương thực, bởi liên quan đến an ninh lương thực quốc gia và cuộc sống của hàng triệu người trồng lúa tại vựa lúa của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long.
Vinafood 2 sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu gạo Vinafood đã được thế giới biết đến với các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, thông qua việc tổ chức sản xuất hàng hóa có liên kết vùng.
Tuy nhiên, để Vinafood 2 có thể nhanh chóng đi trên con đường mới này thì tổng công ty phải nhanh chóng, khẩn trương hoàn thành việc cổ phẩn hóa theo đúng tiến độ.
Theo Quyết định 2133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam, trong tháng 3/2018, Vinafood 2 phải hoàn thành việc bán cổ phần.
Do thời điểm từ IPO đến khi hoàn thành việc bán cổ phần không nhiều, nên việc đàm phán bán cho nhà đầu tư, bán cho người lao động, tổ chức công đoàn phải được tiến hành khẩn trương, đúng quy định pháp luật.
Vinafood 2 cho biết, tổng công ty đã có văn bản thông báo ngay sau khi có kết quả IPO cho các đơn vị trực thuộc để phổ biến sớm cho người lao động, đồng thời rà soát lại danh sách đăng ký mua.
Với lượng người lao động đăng ký mua cổ phần lớn, thời gian triển khai không nhiều, tổng công ty đã lên phương án bán, thu tiền và sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 23/3.
Dự kiến sẽ có một phần nhất định cổ phần mà người lao động sẽ không mua. Theo kế hoạch sẽ bán cho nhà đầu tư nhưng với thời gian rất ngắn còn lại, Vinafood 2 dự kiến sẽ kiến nghị điều chỉnh tăng vốn nhà nước. Cổ phần này sẽ tiếp tục bán sau khi tổng công ty chuyển sang công ty cổ phần.
Về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết, căn cứ vào kết quả IPO sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư chiến lược đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo đúng quy định và tiêu chí yêu cầu.
Tuy nhiên, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước.
Một trong những điểm đáng chú ý trong phương án cổ phẩn hóa là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Vinafood 2 phải giải quyết các tồn tại về nhà, đất trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Phần lớn diện tích nhà, đất đều thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015, Vinafood 2 quản lý 146 cơ sở nhà, đất với trên 3,4 triệu m2 tại 15 tỉnh thành phố trên cả nước.
Sau khi chuyển nhượng, thoái vốn và chuyển giao cho địa phương, đến 31/12/2016, Vinafood 2 còn quản lý 132 cơ sở với trên 2,1 triệu m2 tại 13 tỉnh thành.
Sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước có 124/132 cơ sở với gần 1,8 triệu m2. Đến nay, Bộ Tài chính đã có ý kiến về số cơ sở nhà, đất này.
Còn 8/132 cơ sở không thuộc diện sắp xếp theo Quyết định 09 là những cơ sở thuê đất các khu công nghiệp và hàng hóa bất động sản.
Đối với 124 cơ sở thuộc diện Quyết định 09, các tỉnh thành phố có ý kiến thống nhất xử lý 107 cơ sở với trên 1,7 triệu m2. Đến nay, chỉ còn 17 cơ sở với gần 90.000 m2 tại Thành phố Hồ Chí Minh đang chờ ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Vinafood 2 đã có nhiều văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các ban, ngành đã tiến hành kiểm tra lại hiện trạng nhưng đến nay, thành phố vẫn chưa có ý kiến trả lời.
Trong khi đó, theo Nghị quyết 121/NQ-CP ngày 22/11/2017 của Chính phủ về việc xử lý vướng mắc trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Vinafood 2 sẽ phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.
Như vậy, “nút thắt” lớn nhất đến thời điểm này trong việc cổ phần hóa Vinafood 2 đang nằm ở phần nhà, đất trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Nếu chưa có phương án sử dụng đất thì sẽ ảnh hưởng đến công tác đại hội cổ đông để chuyển sang công ty cổ phần. Đây chính là nguy cơ có thể phát sinh thêm thời gian “dừng” trong việc cổ phần hóa Vinafood 2.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ rất mong Tp. Hồ Chí Minh nhanh chóng cho ý kiến về diện tích đất này. Thành phố sẽ tiếp tục cho thuê đất hay thu lại để địa phương sử dụng đều cần cho ý kiến sớm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết, trong một vài ngày tới, nếu Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa có ý kiến về phương án sử dụng đất của Vinafood 2, tổng công ty sẽ phải có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý nhằm đảm bảo tiến độ cổ phần hóa./.