Có tới 1/3 số lao động không được ký hợp đồng và đóng bảo hiểm

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, cứ ba người làm công ăn lương trong khu vực chính thức thì có một lao động phi chính thức không được ký hợp đồng lao động và đóng các loại bảo hiểm.
Lao động di cư lên thành thị làm việc trong khu vực phi chính thức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tổng số 16,139 triệu người làm công ăn lương thì có khoảng 1/3 là lao động phi chính thức. Nói cách khác, cứ ba người làm việc trong khu vực chính thức thì có một lao động phi chính thức không được ký hợp đồng lao động và đóng các loại bảo hiểm.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo Lao động phi chính thức của Việt Nam do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.

18 triệu lao động phi chính thức

Cuộc điều tra lao động việc làm là cuộc điều tra mẫu do Tổng cục thống kê tiến hành điều tra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô mẫu khoảng 20 nghìn hộ/tháng và tương ứng với cả năm khoảng 240.000 hộ.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả của cuộc điều tra việc làm đã đưa ra được một số những bằng chứng về xu hướng biến động cũng như những đặc điểm dễ nhận thấy của lao động phi chính thức ở Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, quy mô của lao động phi chính thức khá lớn với trên 18 triệu người. Đặc biệt, trong tổng số lao động phi chính thức có cả lao động làm việc trong khu vực chính thức. Năm 2016 trong tổng số 16,139 triệu người làm công ăn lương thì có khoảng 1/3 (5,433 triệu người) là lao động phi chính thức. Nói cách khác, cứ ba người làm công ăn lương trong khu vực chính thức vẫn còn một lao động phi chính thức.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, xét về mặt tổng số thì lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều có xu hướng tăng, nhưng theo ngành kinh tế thì lao động làm nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm (giảm từ 24 triệu người năm 2014 xuống còn 21,8 triệu người năm 2016).

“Khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác.,” bà Nguyễn Thị Xuân Mai nói.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và Vùng Đồng bằng sông Hồng là những nơi có dân cư đông đúc và cũng là nơi tập trung nhiều lao động phi chính thức nhất toàn quốc. Ngược lại các Vùng như Trung du miền núi phía Bắc và Tây nguyên có dân số ít, lao động chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, ngành nghề không đa dạng nên tỷ trọng lao động phi chính thức khá thấp.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn và cũng là hai trung tâm kinh tế-chính trị có số lao động phi chính thức lớn nhất chiếm trên 20% tổng số lao động phi chính thức của cả nước.

Tỷ lao động phi chính thức trong ngành xây dựng rất cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Phần lớn lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành là “Công nghiệp chế biến, chế tạo”; “Xây dựng” và nhóm “Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy”. Tỷ trọng lao động phi chính thức của 3 ngành này chiếm tới gần 70% tổng số lao động phi chính thức. Tiếp theo đó nhóm ngành “Dịch vụ lưu trú và ăn uống” cũng chiếm tỷ trọng khá lớn với khoảng 11%.

Đa số lao động dễ bị tổn thương

Khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy như: lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài.

“Đặc biệt, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực này thường có quy mô rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, không đăng ký kinh doanh, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động …,” bà nhấn mạnh

Báo cáo chỉ ra rằng, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (trong đó 32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương) trong khi đó chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.

Nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương trong thì con số này ở nữ giới lên tới 59,6%.

Tiền lương bình quân/tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, trong khi riền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh đó, có tới 76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm, cụ thể hợp đồng thỏa thuận miệng (62,1%) và không có bất cứ một thỏa thuận nào (14,6%).

Giải quyết hồ sơ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá những kết quả khảo sát cũng phù hợp với thực tế. Hiện nay, người lao động phi chính thức luôn ở trong tình trạng không đảm bảo về việc làm, yếu thế trong thoả thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được đảm bảo đầy đủ các điều kiện lao động.

Ông Chang Hee Lee, Trưởng đại diện Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế phi chính thức cũng là thách thức chung của nhiều nước trên thế giới. Để giảm bớt lao động phi chính thức thì phải thúc đẩy hoá việc làm chính thức thông qua việc đưa lao động vào làm tại các công ty, có ký kết hợp đồng, lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Theo ông Chang Hee Lee, kết quả điều tra về lao động, việc làm trong năm 2017 sẽ là cơ sở để đưa ra được những phản ứng chính sách phù hợp./.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục