Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 17.000 câu lạc bộ về quyền trẻ em hoặc câu lạc bộ trẻ em, trong đó có 42 câu lạc bộ phóng viên của 21 tỉnh, thành với sự tham gia của 2.500 thành viên chính thức.
Đó là một trong những thông tin đáng chú ý được Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra trong Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền của Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) diễn ra sáng nay, 30/6.
Cụ thể, trong 10 năm qua, cả nước có 71 trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà thông tin triển lãm cấp tỉnh, 510 trung tâm cấp huyện; 4.161 nhà văn hóa cấp xã; 38.543 cấp làng, thôn, ấp, bản; 8.541 điểm vui chơi của trẻ em tại xã, phường; 143 rạp chiếu bóng; 342 đội chiếu bóng lưu động.
Thực tế cũng cho thấy, hệ thống các nhà hát phục vụ thiếu nhi như Nhà hát Múa rối, Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Tuổi trẻ… không tăng về số lượng nhưng tăng số đoàn biểu diễn và số vở dựng mới. Các hoạt động phục vụ trẻ em ngày càng phong phú, có biện pháp phối hợp với các trường tổ chức cho trẻ em đến rạp.
Nhiều địa phương đã xây dựng trung tâm hoạt động thanh thiếu niên để phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu niên.
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng dành sự quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận và hưởng thụ văn hóa nhân loại, được vui chơi, giải trí lành mạnh qua sách, báo, tạp chí, Internet…
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 20 tờ báo dành riêng cho trẻ em, hơn 50 nhà xuất bản tham gia xuất bản sách thiếu nhi và các loại sách hướng dẫn, nuôi dạy trẻ. Bên cạnh sách in, các loại sách điện tử cũng tạo sự đa dạng về các sản phẩm truyền thông cho trẻ em. Có nhiều cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi, trẻ em thi vẽ các nhân vật trong truyện, thi kể chuyện…
Đáng chú ý, cả nước có 17.000 câu lạc bộ về quyền trẻ em hoặc câu lạc bộ trẻ em, trong đó có 42 câu lạc bộ phóng viên với sự tham gia của 2.500 thành viên chính thức.
Mặc dù với những quy mô và chất lượng khác nhau, nhưng hoạt động của câu lạc bộ và các nhóm trẻ em đã thu hút các em tham gia vào các khóa tập huấn về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em… Các em cũng được học các kỹ năng truyền thông, giao tiếp, hoạt động tập thể.
Theo đại diện Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tại nhiều địa phương, trẻ em được sinh hoạt, tìm hiểu về quyền trẻ em, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, diễn đàn, cuộc thi và hoạt động từ thiện tại cộng đồng. Các em được bày tỏ chính kiến của mình ở trường học, địa phương, ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Hiện, có hơn 100 trường trung học cơ sở triển khai chương trình giáo dục sống khỏe mạnh và kỹ năng sống cho học sinh, nâng cao kiến thức cho trẻ em và người chưa thành niên.
Phía Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng cho rằng các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức inh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân, thúc đẩy các phòng trào xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em./.