Colombia trở thành thành viên thứ 37 của Tổ chức OECD

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 25/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thông qua việc Colombia trở thành thành viên thứ 37.
Colombia trở thành thành viên thứ 37 của Tổ chức OECD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: colombiareports.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 25/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thông qua việc Colombia trở thành thành viên thứ 37.

Việc gia nhập OECD của Colombia được thông qua sau 5 năm mà 23 ủy ban thuộc tổ chức này tiến hành đánh giá các lĩnh vực lao động, hệ thống tư pháp, quản lý doanh nghiệp, thương mại và đầu tư tại quốc gia Nam Mỹ.

Đây cũng là lý do buộc nền kinh tế đứng thứ 4 Mỹ Latinh này phải cải cách để điều chỉnh các chính sách và pháp luật tương ứng với các tiêu chuẩn của OECD.

Theo thông cáo của OECD, Hiệp ước gia nhập chính thức của Colombia sẽ được ký kết vào ngày 30/5 tới tại trụ sở của tổ chức ở Paris (Pháp).

Tổng Thư ký OECD Angel Gurria nhấn mạnh sự gia nhập của Colombia sẽ góp phần vào nỗ lực biến OECD thành một tổ chức đa dạng và toàn diện hơn.

Ông khẳng định những thách thức toàn cầu chỉ có thể được giải quyết khi các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển và phát triển cùng hợp tác với nhau.

Về phần mình, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos bày tỏ việc gia nhập OECD là bước quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa đất nước, mở ra những cơ hội to lớn để cải thiện hệ thống y tế, giáo dục cũng như chống tham nhũng và bảo vệ môi trường.

OECD là tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập năm 1961, hoạt động với mục đích tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân.

Tổ chức này cung cấp diễn đàn để các quốc gia có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra giải pháp cho các vấn đề chung.

Colombia là quốc gia Mỹ Latinh thứ 3 gia nhập OECD, sau Chile và Mexico./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.