Còn địa phương chưa thực hiện tốt quy định chống khai thác IUU

Đoàn Thanh tra của EC cho rằng Việt Nam cần tiếp tục xem xét rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực hiệu quả chống khai thác IUU.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến báo cáo công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, việc triển khai Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU phải đồng bộ, xuyên suốt giữa các địa phương.

Hiện nay, có một số địa phương thực hiện tương đối tốt, còn nhiều địa phương thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ cảnh bảo "thẻ vàng" của cả nước.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trên cơ sở quá trình thực hiện và kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra của EC lần thứ ba tại Việt Nam vào tháng 10/2022 vừa qua cho thấy, tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ hai vào năm 2019.

Cụ thể như: hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; việc thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đoàn Thanh tra của EC cũng ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đảm bảo tính minh bạch, trung thực và khánh quan.

Tỉnh Khánh Hòa - địa phương Đoàn thanh tra trực tiếp cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ cho công tác thanh tra của Đoàn về hồ sơ sổ sách ghi chép, lưu trữ, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, tổng hợp truy xuất kịp thời; cán bộ thực hiện nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ.

Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan. Tính đến nay, cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 95,27% (tăng 5,01% so với năm 2021). Đánh dấu 88.545/91.716 tàu cá (đạt 96,5%).

Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài như: Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh vẫn còn để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài như Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Quảng Ngãi, Bạc Liêu và nhất là Kiên Giang.

[Hội nghị Thủ tướng với 28 tỉnh, thành phố ven biển về khắc phục IUU]

Việc thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vịchức năng xử phạt gần 1.000 vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng.

Một số tỉnh xử phạt vi phạm hành chính tương đối nghiêm như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Nhưng, một số tỉnh thành xử phạt còn rất hạn chế như: Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Hải Phòng…

Đoàn Thanh tra của EC cho rằng Việt Nam cần tiếp tục xem xét rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực hiệu quả chống khai thác IUU như: tăng mức xử phạt đảm bảo cao hơn gấp nhiều lần so với lợi ích thu được; bổ sung hình thức xử phạt bổ sung tịch thu sản phẩm khai thác và xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 64,4%; lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá đạt 95,3%; chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng việc điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỉ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp. Việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại.

Qua kiểm tra Đoàn thanh tra EC phát hiện trường hợp 7 tấn cá kiếm được khai thác trong nước bằng nghề lưới vây là cao bất thường so với thực tế vì đối tượng cá kiếm không phải là đối tượng khai thác chính của nghề lưới vây.

Bên cạnh đó, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp. EC khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo "thẻ vàng" nếu không chấm dứt tình trạng này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước 31/3/2023. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 (dự kiến tháng 4/2023) có kết quả tốt, sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU.

Cùng đó, cấp ủy, chính quyền xã/phường/thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ trong công tác chống khai thác IUU.

Các tỉnh, thành phố lập danh sách địa phương (xã/phường/thị trấn), tàu cá, chủ tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài ngoài, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, không có/hết hạn Giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá đã xóa đăng ký, tàu đã chuyển nhượng/bán sang tỉnh khác và tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi danh sách về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các tỉnh, thành phố theo dõi, tổng hợp và đối khớp số liệu theo dõi, giám sát tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng, số liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương.

Sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cả bản giấy và trên phần mềm điện tử kết quả kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, việc xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo truy xuất nhanh, kịp thời phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước 31/3/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục