Sóc Trăng triển khai đợt cao điểm tuyên truyền chống khai thác IUU

Hơn 5 năm qua, từ khi EC cảnh báo "thẻ vàng" IUU, tàu khai thác xa bờ của ngư dân Sóc Trăng không vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa xảy ra tình trạng vận chuyển người xuất nhập cảnh trái phép.
Sóc Trăng triển khai đợt cao điểm tuyên truyền chống khai thác IUU ảnh 1Bộ đội biên phòng Sóc Trăng tăng cường tuần tra phối hợp, tuyên truyền đến ngư dân khai thác xa bờ. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hoạt động khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng với các ngành chức năng, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để khắc phục "thẻ vàng" IUU.

Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng quản lý vùng biển trên 30.000km2 và đội tàu đánh bắt xa bờ với số lượng 366 tàu, hơn 640 tàu thuyền đánh bắt ở vùng lộng, vùng ven bờ.

Trong hơn 5 năm qua, từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" IUU, tàu khai thác xa bờ của ngư dân Sóc Trăng không vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa xảy ra tình trạng tham gia môi giới, vận chuyển người xuất nhập cảnh trái phép qua đường biển.

Kết quả đó cho thấy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân của Bộ đội Biên phòng, ngành nông nghiệp Sóc Trăng, giúp bà con hiểu và chấp hành tốt pháp luật và các quy định hiện hành.

Riêng trong tháng 10/2022, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã triển khai đợt cao điểm tuyên truyền chống khai thác IUU; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát.

Lực lượng biên phòng ở các đồn, hải đội ven biển đã thực hiện quyết liệt, không lơ là, xem đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp thiết của đơn vị, tổ chức các đợt kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất.

Theo Thượng tá Hà Thế Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, thực hiện kế hoạch cao điểm chống khai thác IUU của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp; chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là phân loại các phương tiện đánh bắt xa bờ có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Lực lượng biên phòng tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các quy định của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh về chống khai thác IUU. Đơn vị chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh và các địa phương, các lực lượng chức năng rà soát những tàu cá còn hoạt động và yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

[Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Số hóa nghề cá để phát triển bền vững]

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4. Đơn vị thường xuyên trao đổi, phối hợp với Hải quân vùng 2 và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4 để nắm chắc tình hình ngư dân Sóc Trăng hoạt động trên biển; tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong quá trình đánh bắt trên biển.

Để thực hiện có hiệu quả tháng cao điểm chống khai thác IUU, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã tập trung tuyên truyền cho ngư dân, đặc biệt là trên các tàu khai thác ở vùng biển xa nắm rõ các ngư trường đang có sự chồng lấn để tránh vi phạm; thông tin đến bà con những cảnh báo, chủ trương xử lý cứng rắn của nước ngoài khi tàu cá Việt Nam vi phạm lãnh hải nước bạn.

Các đơn vị vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh việc thành lập các tổ, đội khai thác trên biển để hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong quá trình đánh bắt hải sản.

Thiếu tá Thạch Qươl, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Bình (huyện Trần Đề) cho biết đơn vị đã quán triệt, chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ Trạm Kiểm soát Biên phòng Trần Đề làm tốt công tác kiểm soát hành chính kết hợp với tuyên truyền cho ngư dân; nhắc nhở thuyền trưởng, ngư phủ chấp hành nghiêm các quy định hiện hành.

Sóc Trăng triển khai đợt cao điểm tuyên truyền chống khai thác IUU ảnh 2Bộ đội biên phòng Sóc Trăng tăng cường tuần tra phối hợp, tuyên truyền đến ngư dân khai thác xa bờ. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Các tàu cá khi xuất bến qua Trạm Kiểm soát đi khai thác ở ngư trường xa đều phải trang bị đầy đủ máy thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình và phải mở máy để theo dõi những cảnh báo khi có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Nếu không đủ những điều kiện theo quy định, các tàu không được xuất bến.

Ông Lê Văn Công, thuyền trưởng tàu ST 91199 TS, cho biết tàu cá khi đi đánh bắt xa bờ hay đang khai thác ngoài khơi luôn được các chiến sỹ Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở qua hệ thống thông tin liên lạc. Nhờ đó, các thuyền viên luôn chấp hành nghiêm quy định, không vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài...

Thực hiện nghiêm pháp luật, các quy định hiện hành, xử lý triệt để tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không chấp hành quy định để lập lại trật tự trong lĩnh lực đánh bắt hải sản trên biển là chủ trương lớn của Nhà nước.

Để thực hiện được việc này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các sở, ngành, các lực lượng chức năng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của ngư dân trong việc tự giác tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định trong lĩnh vực hải sản. Như vậy, hải sản Việt Nam mới gỡ được “thẻ vàng” của EC, tiến tới khai thác bền vững, đúng pháp luật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.