Còn nhiều dư địa xuất khẩu nhựa vào thị trường Australia

Australia có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng gồm các sản phẩm bao gói, vận chuyển hàng hóa, đồ gia dụng, tấm nhựa, màng nhựa, ống nhựa... mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng.
Còn nhiều dư địa xuất khẩu nhựa vào thị trường Australia ảnh 1Dây chuyền sản xuất túi nhựa xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần HAPLAST. (Ảnh: Vũ Sinh/TTTXVN)

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nhựa và các sản phẩm từ nhựa lớn thứ 11 tại Australia. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Thương vụ Việt Nam tại Australia, sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện chỉ mới chiếm 1,2% tổng kim ngạch nhập khẩu nhựa của thị trường này. Vì thế, dư địa để mặt hàng nhựa vào thị trường Australia vẫn còn rất lớn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, so với tăng trưởng bình quân thế giới, xuất khẩu nhựa Việt Nam có sự tăng trưởng tốt hơn. Bình quân xuất khẩu nhựa giai đoạn 2017-2021 của Việt Nam sang Australia tăng hơn 11%, trong khi tăng trưởng nhập khẩu nhựa của Australia từ thế giới chỉ đạt 6,2%.

Năm 2021, xuất khẩu nhựa (mã HS 39) của Việt Nam sang Australia đạt gần 87 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu nhựa thành phẩm và bán thành phẩm đạt hơn 81 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020.

Các sản phẩm nhựa chính xuất khẩu sang Australia là các sản phẩm bao gói, đồ gia dụng, một số sản phẩm bằng nhựa.

Về tiềm năng xuất khẩu, theo số liệu và Kế hoạch quốc gia của Australia, mỗi năm thị trường này tiêu thụ trên 3,5 triệu tấn nhựa; trong đó khoảng 60% là nguồn nhập khẩu.

Số liệu của Trung tâm Thương nghiệp quốc tế cho thấy, năm 2021 Australia nhập khẩu (mã HS39) đạt 7,29 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020; trong đó, nhập khẩu nhựa thành phẩm đạt 2,58 tỷ USD.

[Doanh nghiệp Việt giành giải mẫu bao bì sản phẩm sáng tạo của ASEAN]

Các sản phẩm nhựa thành phẩm và bán thành phẩm được Australia nhập khẩu nhiều nhất bao gồm các sản phẩm bao gói, vận chuyển hàng hóa, đồ gia dụng, tấm nhựa, màng nhựa, ống nhựa (mã HS 3923, 3920, 3924, 3917)… và các sản phẩm bằng nhựa khác (Mã HS 3929).

Hiện nay, giữa Australia và Việt Nam đã có các hiệp định song phương và đa phương. Điều này đã tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này chịu thuế suất thấp; trong đó bao gồm mặt hàng nhựa.

Australia hiện nay khá ưa chuộng với các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Phía Chính phủ Australia cũng đã cam kết giảm thải chất nhựa khó xử lý trong Mục tiêu quốc gia về bao bì đến năm 2025.

Trong thời gian tới, xu hướng tiêu dùng nhựa và nhu cầu tiêu dùng gia tăng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho ngành nhựa Việt Nam tại thị trường Australia.

Ngoài ra, do lối sống thay đổi, nhu cầu đối với các thực phẩm sơ chế, chế biến tiện lợi tăng cao, vì vậy nhu cầu đối các loại bao bì thực phẩm và đóng gói thực phẩm mang đi tại Australia gia tăng trong thời gian vừa qua được coi là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng đối với thị trường bao gói bằng nhựa.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, đây là quốc gia xuất khẩu mà nông sản, thực phẩm là một trong những thế mạnh của Australia, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được hưởng lợi từ những thỏa thuận hợp tác thương mại đã tham gia.

Đây cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển ngành hàng bao gói thực phẩm bằng nhựa cho hàng xuất khẩu.

Về cách tiếp cận thị trường, doanh nghiệp có thể tiếp cận các đối tác thông qua các hội chợ quốc tế. Hơn nữa, Thương vụ có thể hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát và xúc tiến thương mại tại Australia, bao gồm việc tìm kiếm thông tin hội chợ, cách thức tham gia với chi phí tốt nhất.

Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Australia đang tăng cường cung cấp thông tin ngành hàng của Việt Nam đến với các bạn hàng. Đồng thời cũng đang chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tìm kiếm đối tác phân phối độc quyền tại thị trường này.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng lưu ý, với sự phát triển của thị trường bất động sản, nhu cầu đối với nhựa công nghiệp nói chung và vật liệu nhựa xây dựng nói riêng cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Đặc biệt, các bang tại Australia đã cấm hoặc đã có lộ trình đến 2025 loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, dao, dĩa nhựa, cốc và hộp xốp đựng thức ăn... Điều này sẽ làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nhựa phù hợp mà Việt Nam có khả năng sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.