Nhìn lại hàng loạt kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ từ đầu năm đến nay, có thể thấy các bộ, ngành, địa phương đều có sai sót trong công tác tuyển dụng hoặc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, quản lý viên chức và hợp đồng lao động.
Các kết luận chỉ ra rằng hoặc có sai sót trong công tác thi tuyển, xét tuyển, sử dụng vượt định biên, sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc bổ nhiệm thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, sai quy trình thủ tục, việc lưu giữ hồ sơ không đúng quy định...
Còn nhiều sai sót trong tuyển dụng
Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thuế, các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Bình, Đồng Nai, Khánh Hòa... đều thể hiện các đơn vị này có sai sót trong quá trình tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức.
Chẳng hạn như ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn thanh tra từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/9/2018, kết quả kiểm tra 80 hồ sơ tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt cho thấy còn có Hội đồng kiểm tra, sát hạch có số lượng thành viên chưa đúng quy định; có 4 trường hợp không gửi văn bản thống nhất ý kiến Bộ Nội vụ trước khi tuyển dụng (các trường hợp này đều là lao động hợp đồng từ năm 2000, 2007).
Trong xét tuyển đặc cách viên chức, có đơn vị sự nghiệp công lập hồ sơ chưa thể hiện đầy đủ nội dung phỏng vấn và việc biểu quyết của các thành viên Hội đồng, không có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả xét tuyển.
Kiểm tra 28 kỳ xét tuyển viên chức của 12 đơn vị sự nghiệp công lập, tuyển dụng 235 người, Thanh tra Bộ Nội vụ nhận thấy còn có đơn vị không xây dựng và phê duyệt kế hoạch tuyển dụng trước khi tổ chức tuyển dụng.
[Bộ Nội vụ kiểm tra công tác cán bộ trong nội bộ, ngăn chặn chạy chức]
Một số đơn vị thực hiện thông báo tuyển dụng, nhận hồ sơ dự tuyển chưa đảm bảo theo quy định; thiếu sót trong việc tổ chức chấm thi, tổng hợp kết quả thi nhưng không ảnh hưởng đến kết quả tuyển dụng.
Bốn đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn nghiệp vụ vượt số lượng người làm việc được giao; một đơn vị sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP làm kế toán, văn thư, lưu trữ.
Tỉnh Tuyên Quang áp dụng Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân về việc tuyển dụng vào công chức, viên chức không qua thi tuyển, xét tuyển theo chính sách thu hút của tỉnh, không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong giai đoạn thanh tra (1/1/2017-28/2/2019), áp dụng chính sách trên, tỉnh thực hiện chính sách thu hút đối với 4 viên chức làm việc tại Đại học Tân Trào.
Tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức một kỳ tuyển dụng công chức năm 2017 bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển, qua đó tuyển dụng được 84 công chức.
Về cơ bản, kỳ tuyển dụng công chức được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, tỉnh còn có hạn chế là Hội đồng thi tuyển công chức được thành lập khi chưa hết thời hạn nhận hồ sơ dự tuyển theo quy định; việc tổ chức chấm thi, tổng hợp kết quả điểm thi, thực hiện chế độ tập sự còn có thiếu sót.
Tại thời điểm thanh tra, 2 cơ quan, tổ chức sử dụng 12 lao động hợp đồng, một lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối với tỉnh Đồng Nai, Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra rằng mặc dù chưa sử dụng hết số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao, nhưng trong các năm 2016, 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh đều giao biên chế công chức cho các cơ quan, tổ chức hành chính vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao.
Đầu năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao vượt 114 biên chế so với chỉ tiêu được Bộ Nội vụ giao. Tỉnh Đồng Nai còn tiếp nhận vào công chức không qua thi đối với hai trường hợp thuộc đối tượng người có kinh nghiệm công tác và bốn trường hợp người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài, nhưng không có văn bản thống nhất ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi quyết định tiếp nhận.
Một số trường hợp cán bộ, công chức cấp xã được xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên, nhưng đến thời điểm thanh tra còn thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước tương ứng với ngạch công chức được bổ nhiệm.
Bổ nhiệm thiếu điều kiện, tiêu chuẩn
Vi phạm trong công tác bổ nhiệm, điển hình nhất phải kể đến là Tổng cục Thuế. Qua kiểm tra tại Tổng cục Thuế và 17 đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục, còn 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức vụ hiện giữ; 4 trường hợp quá tuổi bổ nhiệm lần đầu; 8 trường hợp lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chi cục, nhưng giữ ngạch cán sự hoặc tương đương; 2 trường hợp được tiếp nhận năm 2011, 2012 chưa thực hiện đầy đủ quy trình tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Về trình tự, thủ tục bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ, hồ sơ không có văn bản đề nghị phê duyệt chủ trương của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Những hồ sơ bổ nhiệm lại không có tài liệu thể hiện việc Thủ trưởng đơn vị sử dụng trực tiếp nhận xét, đề xuất việc bổ nhiệm lại hay không bổ nhiệm lại.
Biên bản hội nghị tập thể đơn vị nhận xét, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại chưa thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định; không có tờ trình của Phòng Tổ chức cán bộ trình Cục trưởng ban hành quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Một số trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra là bổ nhiệm 1 trường hợp thiếu bằng Cao cấp Lý luận chính trị, 57 trường hợp thiếu bằng Trung cấp Lý luận chính trị; 4 trường hợp thiếu chứng chỉ Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương; 36 trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng hoặc tương đương (trong đó có 3 trường hợp thiếu tại thời điểm bổ nhiệm).
Một số lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được bổ nhiệm chức vụ quản lý (đến thời điểm kiểm tra không còn giữ chức vụ); 2 trường hợp tuyển dụng công chức không qua thi năm 2011, 2012 không đúng thẩm quyền.
Trong các kết luận thanh tra, Bộ Nội vụ đều đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản quy định, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về quản lý biên chế công chức; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và số lượng cấp phó; đảm bảo thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng chỉ tiêu kế hoạch và quy định của pháp luật.
Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có hình thức xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp đã được bổ nhiệm từ trước khi các văn bản quy định được ban hành, khiến bộ, ngành, địa phương phải "chạy theo."
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu tiên công khai “nói lại cho rõ” việc này. Ngay sau khi Kết luận thanh tra được Bộ Nội vụ đưa ra một ngày, ngày 1/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra thông cáo báo chí, nêu rõ trong 36 trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, có tới 33 trường hợp được bổ nhiệm trước khi có quy định này.
Tại thời điểm bổ nhiệm, 33 trường hợp đã đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Sau khi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung yêu cầu có các chứng chỉ này vào tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý; các trường hợp cán bộ đang giữ chức vụ quản lý đã được bổ nhiệm trước đây sẽ được bồi dưỡng để hoàn thiện.
Tuy nhiên, do kinh phí đào tạo bồi dưỡng hạn chế, đồng thời để đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, trong một thời gian ngắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể cử hết các cán bộ lãnh đạo đi bồi dưỡng để bổ sung chứng chỉ, dẫn đến còn có các trường hợp chưa có chứng chỉ tại thời điểm thanh tra. 3 trường hợp vào thời điểm bổ nhiệm còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng (có 2 trường hợp là bổ nhiệm lại) đều được thực hiện quy trình từ trước khi có quy định về tiêu chuẩn này.
Trong những năm qua, nhằm từng bước chuẩn hóa, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định về tiêu chuẩn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ; trong đó đã đặt ra yêu cầu về một số tiêu chuẩn bổ nhiệm cao hơn so với quy định và mặt bằng chung, trong đó có tiêu chuẩn về lý luận chính trị dẫn đến gặp phải khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp.
Trong số các trường hợp bổ nhiệm (1 trường hợp thiếu bằng Cao cấp Lý luận chính trị, 57 trường hợp thiếu bằng Trung cấp Lý luận chính trị; 4 trường hợp thiếu chứng chỉ Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương), hầu hết các trường hợp là viên chức lãnh đạo cấp phòng của một số viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác điều tra cơ bản. Đây là các trường hợp được bổ nhiệm từ năm 2017 trở về trước; tại thời điểm bổ nhiệm đã bảo đảm các tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; có năng lực, phẩm chất đạo đức.
Tuy nhiên, do công tác tại các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thường xuyên phải làm việc lưu động; mặt khác do chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng ít so với nhu cầu nên chưa có điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chính trị.
Từ đầu năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo rà soát và cử các cán bộ còn thiếu tiêu chuẩn đi học để hoàn thiện theo quy định. Đến nay, các trường hợp nêu trên đã được cử đi học.
Chấn chỉnh công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Tuy nhiên, còn không ít ý kiến băn khoăn đối với một số quy định về chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ và việc hồi tố, khi mà cán bộ, công chức, viên chức đã được bổ nhiệm trước khi quy định ra đời. Trong buổi gặp mặt báo chí dịp 21/6 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, địa phương làm sai còn có nguyên nhân do văn bản không rõ, không có hướng dẫn và không phù hợp. Không phù hợp cần phải sửa ngay.
Công tác thanh tra, kiểm tra, bên cạnh chỉ ra việc thực hiện chưa đúng để sửa cho phù hợp, cũng phải chỉ ra những điểm bất hợp lý của chính sách và việc này phải làm thường xuyên. Phải tăng cường phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động thực hiện phù hợp với thực tế./.