Công bố 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia

Bộ Công Thương công bố 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia 2016. Trong đó, 70 doanh nghiệp đạt doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên và 26 doanh nghiệp có doanh thu từ 5.000 tỷ đồng trở lên.
Công bố 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia ảnh 1Lễ trao giải doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2012. (Ảnh: Ban Tổ chức)

Chiều 23/11, Bộ Công Thương đã giới thiệu lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2016.

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), trải qua những cuộc bình chọn rất khắt khe, năm nay Ban Tổ chức đã lựa chọn được 88 doanh nghiệp trong tổng số hàng trăm bộ hồ sơ gửi tham dự chương trình.

Trong số đó, các doanh nghiệp đạt doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên có 70/88 doanh nghiệp. Ngoài ra, có 26 doanh nghiệp có doanh thu từ 5.000 tỷ đồng trở lên.

Đáng chú ý, có 23 doanh nghiệp đã 5 lần đạt doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia, đơn cử như: Công ty cổ phần May Việt Tiến, Sabeco, Xây dựng Hòa Bình, V​INACAFE, Ngân hàng Vietcombank, Công ty May ​An Phước, Bitis, VNPT, Vàng SJC, Nhựa Bình Minh...

Công bố 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đang trao đổi về Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2016. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù số lượng tăng lên trong từng đợt tổ chức chương trình, cụ thể từ con số 30 doanh nghiệp vào năm 2008 tăng lên 88 doanh nghiệp vào năm 2016, nhưng so với tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì ​vẫn còn rất khiêm tốn.

Lý giải điều này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, các tiêu chí đưa ra để lựa chọn doanh nghiệp rất khắt khe và quan điểm của Ban tổ chức là không chạy theo thành tích cũng như đặt cao về số lượng,

"Đây là chương trình của Chính phủ và không đặt nặng về thương mại," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Nói về trường hợp của Tân Hiệp Phát, dù dính nghi án có ruồi trong chai nước ngọt nhưng vẫn được lựa chọn là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia 2016, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, doanh nghiệp này đã có đảm bảo về chất lượng của Bộ Y tế.

Quan trọng hơn, tiêu chí đưa ra là doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia không có nghĩa toàn bộ sản phẩm của họ đạt thương hiệu quốc gia. Điều đó có nghĩa ngoài những sản phẩm dính nghi án thì Tân Hiệp Phát cũng còn nhiều sản phẩm khác đạt yêu cầu đưa ra của Ban tổ chức.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Trên cơ sở phát huy các giá trị này, doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực mình kinh doanh, sản xuất dựa trên việc không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hai năm một lần, chương trình sẽ tổ chức Lễ Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng Thương hiệu Quốc gia.

Trước đó, năm 2008, Ban tổ chức đã lựa chọn được 30 doanh nghiệp. Năm 2010, lựa chọn được 43 doanh nghiệp. Năm 2012, lựa chọn được 54 doanh nghiệp. Năm 2014, lựa chọn được 63 doanh nghiệp.

Lễ Công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào 19 giờ 30 phút, ngày 30/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đồng thời Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam và kênh SCTV./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.