Một báo cáo tổng quát về bình đẳng giới ở Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện và công bố vào hôm nay 26/10. Thông qua các bằng chứng và số liệu liệu cụ thể, báo cáo phân tích chuyên sâu tiến độ thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đồng thời đưa ra các khuyến nghị để giải quyết các rào cản đang làm cản trở việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo“Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện.
Được thực hiện trong vòng một năm, báo cáo "Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021" hội tụ kiến thức, ý kiến tham mưu và cống hiến của tập thể nhiều cơ quan và cá nhân, kết hợp giữa chuyên môn trong nước và quốc tế. Nỗ lực đa ngành này đã góp phần xác định các vấn đề giới hoặc bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực, quản trị, lao động, nông nghiệp, kinh doanh, giao thông vận tải kết nối, phát triển đô thị, đời sống gia đình, bảo trợ xã hội, di cư và biến đổi khí hậu.
Báo cáo này được hoàn thiện khi Việt Nam đang ứng phó với làn sóng COVID-19 lần thứ tư trên cả nước. Con số chính thức các ca nhiễm không được phân tách theo giới tính. Tuy nhiên, không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính và sức khỏe cộng đồng toàn cầu trước đây, COVID-19 đặc biệt gây bất lợi cho phụ nữ và làm bộc lộ những thiếu sót mang yếu tố giới trong nền kinh tế và cấu trúc xã hội.
“Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam và làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động. Chẳng hạn, báo cáo này cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8%,” bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết.
[Đầu tư thay đổi chuẩn mực xã hội sẽ thúc đẩy bình đẳng giới]
Bà Hà nhấn mạnh: “Vào thời điểm hiện nay khi Việt Nam đang trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19, đây chính là cơ hội để xây dựng một tương lai công bằng hơn bằng cách đưa bình đẳng giới làm cốt lõi của các nỗ lực phục hồi và thực hiện các chiến lược đáp ứng giới."
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị thay đổi trên phạm vi rộng, trong đó nêu bật ba lĩnh vực hành động chính: Tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới; giải quyết các rào cản cơ bản đối với bình đẳng giới và thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới trong thập kỷ tới.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào việc thu thập dữ liệu này với niềm tin vào sức mạnh của bằng chứng. Đây là công cụ hữu ích để thúc đẩy các thảo luận, định hướng chính sách, các dịch vụ và cơ hội. 16 khuyến nghị chính trong báo cáo thể hiện vị trí trọng tâm của quan hệ đối tác về bình đẳng giới của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam và cách mà Chính phủ Australia có thể hỗ trợ các nhóm gặp bất lợi phức tạp và đan xen."
"Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021" sẽ là nguồn bằng chứng đáng tin cậy để định hướng các ưu tiên về nguồn tài chính, xây dựng chương trình và vận động chính sách nhằm thúc đẩy các kết quả và khắc phục những rào cản đối với bình đẳng giới ở Việt Nam. Báo cáo được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam giám sát các chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết: “Những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề phụ, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Vì vậy, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới. Chúng ta cần hành động ngay lập tức và báo cáo đã đưa ra định hướng rõ ràng thông qua những khuyến nghị cụ thể”./.