Công bố dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV lọc hóa dầu Bình Sơn công bố dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Công bố dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất ảnh 1Khu phân xưởng công nghệ của nhà máy. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 23/1, tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV lọc hóa dầu Bình Sơn công bố dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm và có tổng mức đầu tư 1,82 tỷ USD, do Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án trải rộng trên diện tích hơn 300ha, gồm 108ha mặt đất và 196ha mặt biển. Trong 4 vị trí mở rộng trên mặt đất có khoảng 94ha đất xây dựng và 14ha đất vành đai bảo vệ.

Dự kiến, tổng mức kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 780 tỷ đồng. Nhà máy lọc dầu giai đoạn 2 này trải rộng trên địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn).

Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trước năm 2022 với cấu hình công nghệ chế biến hiện đại, đảm đảm tiêu chuẩn môi trường theo quy định hiện hành, sản phẩm đạt tiêu chuẩn mức EURO V.

Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất, cho biết Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất đang khẩn trương thi công khu tái định cư Tây Bắc Vạn Tường giai đoạn 3 để giải quyết việc di dời cho 341 hộ dân với 1.247 nhân khẩu liên quan.

Khu tái định cư này phải xây dựng theo đúng tiêu chuẩn nông thôn mới để ổn định cuộc sống cho người dân. Ban quản lý cũng đang phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trong khu kinh tế để ưu tiên tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

Việc mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nâng cao độ linh hoạt trong lựa chọn nguyên liệu dầu thô, đảm bảo cung cấp nguồn dầu thô ổn định, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động của nhà máy; đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội Quảng Ngãi phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.