Sáng 19/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức cuộc họp báo Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Tính đến thời điểm 1/7/2017, cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012, mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức tăng 5% của thời kỳ 2007-2012.
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh kết quả cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua 5 năm. Từ đó, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...
[Doanh nghiệp huy động 30,2 triệu tỷ đồng vào sản xuất, kinh doanh]
Tổng cục Thống kê chỉ ra doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Theo đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước đạt 505.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp còn lại mới đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dù số lượng doanh nghiệp như trên nhưng chỉ có 10.100 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%. Số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%. Doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Bộ với gần 216.000 doanh nghiệp, chiếm 41,7%, trong đó dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016 của doanh nghiệp được cải thiện hơn 5 năm trước đây. Mặc dù, số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn với 0,5% tổng số doanh nghiệp nhưng nguồn vốn chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn. Vốn bình quân trên một doanh nghiệp năm 2016 đạt 51,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 5,8 tỷ đồng/doanh nghiệp so với năm 2011.
Doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011. Doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng). Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có doanh thu thuần cao nhất với 55,9% tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, cho biết khu vực doanh nghiệp FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần. Doanh thu thuần bình quân năm đạt 560.700 tỷ đồng (tăng 18,6%), tuy nhiên lại thấp hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tỷ trọng doanh thu thuần thấp nhất là khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 16,7%. Doanh thu thuần bình quân năm tăng 1,7%, tương đương 48.800 tỷ đồng.
Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) năm 2016 đạt 2,7%. Khu vực doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 đạt cao nhất và vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác với 6,9%; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,6% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 1,4% (năm 2011 là 1,2%).
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có hiệu suất sinh lời trên tài sản cao vượt trội với 4,8%. Hai khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và dịch vụ hiệu suất sinh lời trên tài sản đạt tương ứng là 2,0% và và 1,6%.
Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập của nền kinh tế hiện nay, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể. Đồng thời, có giải pháp loại trừ nhũng nhiễu của các sở, ban ngành và cá nhân ở các cấp hành chính đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp...
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới.
“ Vì vậy Chính phủ phải đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện ba khâu then chốt của nền kinh tế: đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực," ông Lâm nhấn mạnh./.