Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Đáp ứng yêu cầu quản lý thực tế

Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, chi tiết đến đơn vị cơ sở.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Đáp ứng yêu cầu quản lý thực tế ảnh 1Dây chuyền may xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bắt đầu từ hôm nay (1/3), Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được Tổng cục Thống kê tiến hành trên phạm vi cả nước. Tổng điều tra lần này có một số điểm mới là lần đầu tiên thu thập số liệu về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (hoạt động của các tổ chức quốc tế) nhằm đánh giá đầy đủ kết quả hoạt động sản xuất của tất cả các tổ chức, cá nhân diễn ra trong nền kinh tế.

Để hiểu rõ hơn về cuộc tổng điều tra, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Xin ông cho biết mục tiêu của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là gì?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, chi tiết đến đơn vị cơ sở; đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở sản xuất, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó là biên soạn các chỉ tiêu thống kê chủ yếu năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm năm 2016-2020 theo Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, có căn cứ để bổ sung về mặt quy mô trong biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đồng thời biên soạn chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp đến là bổ sung số liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

- Vậy cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 có những điểm gì mới so với các cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp trước đây?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cơ bản kế thừa nội dung, phạm vi các cuộc Tổng điều tra trước nhằm đảm bảo tính so sánh của số liệu. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu quản lý và số liệu trong tình hình mới, Tổng điều tra lần này có một số điểm mới là lần đầu tiên thu thập số liệu về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (hoạt động của các tổ chức quốc tế) nhằm đánh giá đầy đủ kết quả hoạt động sản xuất của tất cả các tổ chức, cá nhân diễn ra trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sử dụng tối đa nguồn thông tin hồ sơ hành chính từ ngành thuế, kho bạc Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước khác như y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, thông tin truyền thông.

Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được tổ chức kết hợp với điều tra doanh nghiệp và điều tra cá thể năm 2017 nhằm tránh trùng chéo các hoạt động điều tra thống kê. Các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty có hoạt động hạch toán toàn hệ thống thực hiện theo hướng trụ sở chính sẽ ghi thông tin hạch toán toàn hệ thống cho cơ sở trực thuộc nhưng được bổ sung về số lượng tập đoàn, tổng công ty.

Doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập sẽ do Cục Thống kê tổ chức điều tra. Đối với các cơ sở hành chính, sự nghiệp trung ương, do việc thu thập thông tin của các Cục Thống kê đối với những đơn vị trung ương đóng trên địa bàn rất khó khăn nên sẽ do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương phối hợp với các bộ, ngành trực tiếp lập danh sách và thu thập số liệu. Riêng các đơn vị trung ương của các ngành tổ chức theo hệ thống ngành dọc vẫn do các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra địa phương thu thập.

Công bố thông tin cũng sẽ được thực hiện sớm hơn với nhiều loại ấn phẩm, công bố từng phần theo chuyên đề, nội dung thông tin chi tiết hơn theo ngành kinh tế, khu vực sở hữu.

- Thưa ông, phương án và cách thức thực hiện cuộc Tổng điều tra lớn nhất năm 2017 này sẽ như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Phương án tổng điều tra đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành theo Quyết định số 1896/QĐ-BKHĐT ngày 26/12/2016 trên cơ sở Quyết định tổng điều tra của Thủ tướng, kế thừa nội dung các cuộc Tổng điều tra trước, khắc phục những bất cập hạn chế và cập nhật những thay đổi của thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm năm qua.

Tổng điều tra kinh tế năm 2017 sẽ được triển khai theo hai giai đoạn: từ 1/3 triển khai đối với khối doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp; từ 1/7 đối với khối cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và tôn giáo tín ngưỡng. Các Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện xã sẽ thực hiện các công việc theo nội dung và lộ trình ban hành trong phương án tổng điều tra, phù hợp với từng khối đơn vị điều tra nhằm đảm bảo cuối năm nay kết quả sơ bộ sẽ được công bố.

Ngành thống kê sẽ tập trung toàn bộ lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan từ trung ương đến địa phương để thực hiện cuộc tổng điều tra quan trọng này.

- Phát triển doanh nghiệp là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2017. Vậy cuộc Tổng điều tra có tập trung rà soát hoặc đánh giá tình trạng hoạt động thực tế của doanh nghiệp ở các địa phương hay không?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Cũng như Tổng điều tra năm 2012, năm 2017 sẽ tiến hành rà soát danh sách doanh nghiệp để thống nhất số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh; thuế và thống kê liên quan đến số lượng doanh nghiệp theo các tình trạng hoạt động thực tế. Kết quả rà soát có ý nghĩa và tầm quan trọng, cung cấp cho cơ quan quản lý và cơ quan thống kê bức tranh thực tế về doanh nghiệp; đồng thời là điểm bắt đầu cho hoạt động thu thập thông tin.

Vì vậy, theo tôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực và sâu sát giữa các ngành từ trung ương đến địa phương, sự chỉ đạo sát sao của ủy ban nhân dân các cấp, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã trong hoạt động rà soát

- Theo ông những số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra sẽ có đóng góp như thế nào trong việc hoạch định chính sách?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong Tổng điều tra kinh tế năm 2017, các nhóm thông tin vi mô cơ bản về doanh nghiệp, về hộ sản xuất kinh doanh cá thể, về các đơn vị sự nghiệp như lao động, kết quả sản xuất kinh doanh sẽ cho biết hiệu quả hoạt động của các khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và hộ cá thể.

Ngoài ra, việc thu thập thông tin chuyên đề về tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp chế biến chế tạo, gia công, lắp ráp hàng hóa với nước ngoài sẽ cho thấy bức tranh về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hội nhập kinh tế và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước sức ép hội nhập hiện nay.

Theo tôi, các thông tin nêu trên là cơ sở dữ liệu vi mô rất quý để nghiên cứu, phân tích nhiều khía cạnh của nền kinh tế, nhằm phản ánh bức tranh trung thực và đa dạng về cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2016 theo ngành và theo vùng kinh tế. Từ đó, tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách có thêm nhiều nguồn thông tin khi nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới.

- Xin cám ơn ông!/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.