Những con số thống kê 'biết nói' giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định qua những con số "biết nói" của ngành thống kê, Chính phủ chỉ đạo, điều hành nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Những con số thống kê 'biết nói' giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 22/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời của số liệu thống kê. Qua những con số "biết nói" của ngành thống kê, Chính phủ chỉ đạo, điều hành nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Từ cập nhật kết quả đầu ra của kinh tế-xã hội, Chính phủ hoạch định về các chiến lược, quy hoạch của quốc gia, của ngành và các địa phương, từ đó hình thành các cơ chế chính sách phát triển đất nước. Cùng với đó, qua số liệu định lượng cụ thể của Tổng cục Thống kê, Chính phủ chỉ đạo những vấn đề quan trọng trong từng thời kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Tổng cục Thống kê trong việc báo cáo cụ thể từng quý và đưa các nguyên nhân chủ quan và khách quan đối với mức tăng trưởng của từng thời điểm.

“Tôi đánh giá cao nỗ lực thầm lặng của cán bộ ngành thống kê với đất nước. Năm 2017, dù có nhiều khó khăn nhưng nhờ số liệu của Tổng cục thống kê, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành thống kê nâng cao tính dự báo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê; đồng thời phân tích rõ bối cảnh kinh tế quốc tế, các yếu tố của thị trường thế giới có thể ảnh hưởng tới Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ, áp dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu số liệu nhanh, chính xác cho công tác điều hành nền kinh tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết trong năm 2017, ngành thống kê đã thực hiện một cuộc tổng điều tra và 28 cuộc điều tra thống kê lớn, quan trọng; trong đó có cuộc tổng điều tra kinh tế. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 lần đầu tiên thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa cho nước ngoài của các doanh nghiệp, của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.


[Thống nhất tính toán để đảm bảo tính nhất quán của số liệu thống kê]

Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý năm 2017 và đề xuất các giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh trong xử lý kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 nên đã hạn chế được sai sót và rút ngắn thời gian xử lý so với cách nhập tin truyền thống.

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê đã thành lập Tổ công tác thực hiện biên soạn về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); xây dựng, cài đặt và triển khai phần mềm biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn quốc và GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, phối hợp tốt với các Bộ để điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như xăng, dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp với thực tiễn tiệm cận dần với giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức Quốc hội đề ra...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục tập trung thực hiện trong năm 2018. Theo đó, ngành bảo đảm tốt thông tin thống kê, chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời các “kịch bản tăng trưởng” về tình hình kinh tế-xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô; biên soạn Đề cương phân tích kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2018.

Cùng với đó, phân bổ số liệu kết quả sản xuất của các Tập đoàn, Tổng công ty hạch toán toàn ngành cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một cách kịp thời để Cục Thống kê các địa phương sử dụng trong xây dựng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Tổng cục Thống kê cũng tiếp tục nghiên cứu và cải tiến các phương án điều tra phù hợp với tình hình thực tế, tập trung nghiên cứu cải tiến phương án điều tra doanh nghiệp theo hướng tăng cường sử dụng dữ liệu thuế; nghiên cứu phương pháp luận và chuẩn bị cho việc chuyển đổi năm gốc so sánh từ năm 2010 sang năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.