Ngày 21/8, tại Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Công bố kết quả khai quật lần thứ 3 tại Di tích Chăm Phong Lệ (thuộc tổ 4, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ trì đoàn khai quật, cho biết sau hai lần khai quật Di tích Chăm Phong Lệ vào năm các 2011-2012, đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật và phát lộ gần như toàn bộ quy mô, cấu trúc nền móng của một tòa tháp Champa.
Kết quả cho thấy đây là khu di tích Champa có giá trị nghiên cứu về kiến trúc và cần có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích này.
Tiếp tục quá trình khai quật, từ ngày 17/7 đến 17/8/2018, đoàn đã tổ chức đợt khai quật lần thứ ba trên diện tích hơn 300m2. Hố khai quật lần này được xác định ở khu vực Đông Bắc của hai dấu tích kiến trúc đã xuất lộ trong đợt khai quật năm 2011 và 2012.
Kết cấu địa tầng cho thấy Di tích Chăm Phong Lệ được xây dựng trên một gò đất, có địa thế cao hơn so với khu vực xung quanh. Phần trung tâm của gò là nơi tọa lạc của kiến trúc kalan có cấu trúc “hố thiêng” mà các nhà khảo cổ học đã làm xuất lộ vào năm 2012, phế tích nền móng này được gọi là đền tháp chính.
[Tiếp nhận 18 cổ vật của Việt Nam hồi hương từ CHLB Đức]
Về di tích, các nhà khai quật đã làm rõ thêm về những dấu vết kiến trúc tại khu vực phía Bắc và phía Đông của di tích tại đền tháp Cổng; đồng thời đồng ý quan điểm với hai lần khai quật trước đây, đây là kiến trúc Cổng (Gopura) của khu đền tháp Phong Lệ. Dấu tích xuất lộ lần này cho thấy đền tháp Cổng gồm hai bộ phận Tiền sảnh/Tiền điện (Torana) và chính điện (Garbhagrha).
Ở góc Tây Bắc của hố khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện một nền móng của một mặt bằng kiến trúc với phần đất đầm màu nâu đỏ kết hợp với bột gạch vụn. Dấu tích lớp đất đầm có kích thước dài 4,2m theo chiều Bắc Nam; rộng 3,9m theo chiều Đông Tây và đang tiếp tục kéo dài ra ngoài phạm vi khai quật trong năm nay.
Phía Tây Nam hố khai quật xuất lộ dấu vết mới của di tích là một nền móng gạch dài khoảng 80m, rộng khoảng 1,41m, nơi nhiều nhất hiện còn sáu lớp gạch chồng xếp thành tường. Xung quanh khu vực này phát hiện nhiều mảnh ngói mũi lá, mũi tròn và mảnh gốm sứ thời Tống...
Vị trí phát hiện và dấu tích ngói lợp, gốm sứ được phát hiện cũng cho thấy có thể đây là một công trình nhà dài trước kiến trúc Cổng của đền tháp Champa. Ngoài ra, các nhà khai quật còn phát hiện thêm nhiều dấu tích còn lại của tường gạch tại nơi khai quật di tích.
Về di vật, các nhà khai quật phát hiện được nhiều loại di vật gồm: các loại gạch ngói và trang trí kiến trúc bằng đá cát của người Champa, gốm thô Champa, gốm sứ thời Tống của Trung Quốc, trong đó, phát hiện được 23 di vật đá, chủ yếu là tượng động vật như tượng tròn sư tử (Simha), bệ trụ có điêu khắc voi, các vật trang trí trên diềm mái như tượng rắn (Naga), chim thần (Garuda), tai lửa, tượng người cầu nguyện, chóp đền tháp...
Đồ gốm sứ phát hiện trong đợt khai quật này gồm có mảnh vò (Kendi) và mảnh nồi đất nung, nhiều mảnh gốm sứ thời Tống của Trung Quốc; trong đó có hai tiêu bản vỡ thành nhiều mảnh đã được gắn chắp lại còn nguyên dáng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Hồng Sơn cho biết kết quả khai quật năm 2018 đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng của người Champa như tượng sư tử, rắn thần, bệ trụ có điêu khắc voi… giống như hàng chục đền tháp đã phát hiện trên dải đất miền Trung. Quần thể kiến trúc Phong Lệ có thể coi là một công trình quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Champa hiện biết ở miền Trung nước ta.
Trên cơ sở kết quả khai quật các năm 2011, 2012 và năm 2018, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Hồng Sơn kiến nghị cần tiếp tục mở rộng khai quật và nghiên cứu khảo cổ học tại đây. Trước mắt, quá trình khai quật, nghiên cứu đánh giá giá trị các di tích đã xuất lộ cần được xử lý bảo tồn bằng việc tạm thời lấp lại bằng cát và đất nhằm bảo tồn nguyên trạng dấu vết kiến trúc, tránh hiện tượng bị sói mòn do mưa, nắng, hạn chế tối đa sự tác động của các điều kiện môi trường tự nhiên.
Thời gian tới, thành phố Đà Nẵng cần có định hướng quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của di tích thành công viên lịch sử, văn hóa, cảnh quan với vùng lõi là các di tích đền tháp đã được khảo cổ khám phá.
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố để có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong tương lai./.