Công bố kết quả nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2

Việc tỉnh Thái Nguyên chủ động nghiên cứu, phát triển được bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có ý nghĩa lớn, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Công bố kết quả nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 ảnh 1Bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR của tỉnh Thái Nguyên được triển khai kiểm nghiệm tại Khoa Miễn dịch di truyền phân tử, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Chiều 18/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã họp báo công bố kết quả đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR” do nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện.

Sau 3 tháng nghiên cứu (từ tháng 5-8/2020), nhóm nghiên cứu do tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) làm chủ nhiệm đã thành công và cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Đây cũng là bộ sinh phẩm thứ tư trong cả nước.

Hiện Việt Nam đang có 3 bộ kit Realtime RT-PCR đã được cấp phép do Công ty Việt Á, Công ty Sao Thái Dương và Tập đoàn VinGroup sản xuất.

[Việt Nam “nước rút” trong nghiên cứu, sản xuất vắcxin phòng COVID-19]

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, số lượng bộ kit được sản xuất chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Do vậy, việc tỉnh Thái Nguyên chủ động nghiên cứu, phát triển được bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có ý nghĩa lớn, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, cho biết, bộ sinh phẩm của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng của sinh phẩm chẩn đoán bao gồm: độ nhạy lâm sàng đạt 100%; độ đặc hiệu lâm sàng đạt 100%; độ đặc hiệu phân tích đạt 100%; ngưỡng phát hiện từ 10-50 phản ứng; độ bền (ổn định) trong điều kiện đá gel (2-8 độ C) trong 72h.

Đặc biệt, thời gian thực hiện phản ứng Realtime PCR dao động từ 1 giờ đến 1 giờ 15 phút tùy theo từng hệ thống PCR, nhanh hơn so với hầu hết các bộ Kit Realtime PCR hiện nay từ 25-30 phút. Giá thành dự kiến cũng sẽ giảm khoảng 15-30% so với một số bộ kit đang được sử dụng hiện nay.

Đề tại khoa học này cũng đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên nghiệm thu ngày 17/8/2020. Hội đồng gồm các chuyên gia và các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Việt-Pháp.

Các thành viên của Hội đồng đều đánh giá cao hướng tiếp cận cũng như kết quả nghiên cứu.

Theo ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, sau khi được nghiệm thu chính thức và công bố kết quả, đề tài khoa học trên sẽ được đăng ký sở hữu trí tuệ và bàn giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tỉnh cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để đăng ký, cấp phép theo quy định, phục vụ phương án sản xuất đại trà bộ sinh phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đang cấp bách hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.