Ngày 12/11, Ủy ban Nhân dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, tổ chức "Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Mường Động huyện Kim Bôi năm 2019" do Cục sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận. Qua đó, khẳng định danh tiếng, giá trị đặc thù của sản phẩm địa phương.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kim Bôi, ông Bùi Văn Dùm, nhấn mạnh thời gian qua bên cạnh việc chú trọng việc hỗ trợ mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện Kim Bôi tập trung và nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thông qua việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Từ đó, khẳng định chất lượng sản phẩm, tính đặc thù của sản phẩm đặc sản của huyện để mở rộng thị trường tiêu thụ và kích hoạt sản xuất phát triển.
Việc nhận được giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đại diện cho các hộ gia đình cá nhân là gương điển hình tiên tiến trong việc sản xuất trồng cây ăn quả có múi, chị Bùi Thị Hảo, xóm Muôn, xã Kim Sơn, huyện Kim Bôi, chia sẻ tận dụng đất đai vườn đồi sẵn có và mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất VietGAP, đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định.
Đặc biệt sau khi tham gia Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và cây ăn quả có múi Kim Sơn, gia đình yên tâm hơn về mặt năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định hơn, mỗi năm cho thu nhập trung bình từ 500-600 triệu đồng.
[Tiền Giang: Cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho cây sả Tân Phú Đông]
Là đơn vị bao tiêu sản phẩm cam, bưởi trên địa bàn huyện Kim Bôi, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Bình Nam, ông Lê Văn Nam mong muốn các bên liên quan của chính quyền, các tổ chức quản lý nhãn hiệu và các nhà vườn phải thường xuyên cải tiến chất lượng, giảm giá thành sản phẩm thì sẽ đảm bảo ổn định đầu vào và giữ uy tín với khách hàng.
Qua đó, nhãn hiệu tập thể mới trở thành sứ giả cho hoạt động du lịch và thương mại phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Kim Bôi, hiện nay toàn huyện có khoảng 170ha diện tích trồng cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Diện tích bưởi chiếm 770ha (giá trị sản xuất thu được từ bưởi đạt 157,3 tỷ đồng). Toàn huyện có 23/27 xã, thị trấn trồng cam với tổng diện tích hơn 576 ha, sản lượng cả năm ước đạt hơn 9.100 tấn (giá trị sản xuất từ cam đạt 182,1 tỷ đồng).
Mặc dù cam, bưởi chất lượng tốt, phương thức trồng phù hợp với xu hướng tiêu dùng (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), nhưng đang chịu sức ép cạnh tranh của hơn 30 vùng cam, bưởi được bảo hộ sở hữu trí tuệ trong và ngoài tỉnh.
Mặt khác chưa xây dựng được sự liên kết chuỗi giá trị cho nên việc giảm chi phí sản xuất, quản lý môi trường tiêu thụ chưa phát huy hiệu quả.
Thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành nhiều vùng hàng hóa theo hướng tập trung với quy mô lớn, đồng thời khẳng định được giá trị kinh tế cao với các cây trồng khác.
Huyện cũng đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm cam, bưởi, mang lại giá trị sản xuất cao hơn./.