Ngày 7/1, Sở Quy hoạch-Kiến trúc phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức công bố 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị H2-1, H2-2, H2-3 và H2-4, tỷ lệ 1/2.000, thuộc các quận, huyện Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông và Thanh Trì.
Đáng chú ý là phân khu đô thị H2-1 thuộc quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm sẽ được quy hoạch là trung tâm hành chính-văn hóa, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, giáo dục, du lịch, thể thao và giải trí chất lượng cao, tập trung các viện nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia, trụ sở của một số bộ ngành Trung ương, đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mục tiêu của việc quy hoạch các phân khu kể trên nhằm cải tạo, chỉnh trang và phát triển mới, giảm áp lực cho khu vực nội đô lịch sử, vốn được bố trí quỹ đất để xây dựng các khu đô thị phục vụ tái định cư, di dân các khu chung cư cũ trong khu vực nội đô, nhà ở xã hội...; phát triển khu vực đô thị mới, chất lượng cao, hiện đại, đồng bộ trên trục Hồ Tây-Cổ Loa; hình thành trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, tài chính hướng Hồ Tây.
Nguyên tắc không gian kiến trúc cảnh quan đối với các phân khu H2-1, H2-2, H2-3 và H2-4 đảm bảo yếu tố xây dựng mới gắn với việc kế thừa, cập nhật, cải tạo nâng cấp các khu vực hiện có, cập nhật và khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc nhằm nâng cao điều kiện môi trường sống, cảnh quan chung.
Quy hoạch cũng nhằm phát triển đô thị hiện đại với các chức năng hỗn hợp, gắn với việc bảo tồn tôn tạo các giá trị di sản truyền thống của địa phương.
Quy hoạch nhằm phát huy, tổ chức đồng bộ hệ thống các trung tâm, các khu nhà ở gắn kết với các dịch vụ hạ tầng hiện đại theo mô hình đa chức năng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.
Việc quy hoạch phân khu cũng giúp các địa phương của Hà Nội nâng cấp các khu vực hiện có, cập nhật và khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc nhằm nâng cao điều kiện môi trường sống, cảnh quan chung đồng thời phát triển đô thị hiện đại với các chức năng hỗn hợp, gắn với việc bảo tồn tôn tạo các giá trị di sản truyền thống của địa phương.
Quy hoạch phân khu sẽ là cơ sở cho các địa phương kể trên tổ chức, lập các quy hoạch chi tiết; đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện, danh mục các chương trình đầu tư và dự án chiến lược; kiểm soát phát triển và quản lý đô thị; điều chỉnh quy hoạch các quận, huyện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để phù hợp với các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050./.