Công bố quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được xây dựng thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai, phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ, đáp ứng một khu kinh tế năng động.
Công bố quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai ảnh 1Ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Ngày 21/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức "Hội nghị công bố quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050" theo Quyết định số 1627/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được xây dựng thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai, phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ, đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8ha.

Dự báo đến năm 2040, quy mô dân số khoảng 90.000 người, trong đó, lao động khoảng 45.000 người. Cấu trúc không gian Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hình thành theo mô hình một trung tâm hạt nhân và hai cánh là cánh hành lang kinh tế phía Tây, cánh hành lang kinh tế phía Đông.

Các công trình điểm nhấn bao gồm: Khu quản lý kiểm soát cửa khẩu và Quốc môn tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai, Cửa khẩu quốc tế Kim Thành, các công trình trung tâm tài chính, ngân hàng... và trung tâm dịch vụ cao tầng được bố trí gắn với các trục chính của khu kinh tế, đô thị và tại các cửa ngõ đô thị, như khu vực Kim Thành, Duyên Hải, Bản Qua, Bản Vược...

Theo định hướng phát triển, khu kiểm soát và hành chính cửa khẩu tổ chức tại các khu vực cửa khẩu, lối mở gồm có Quốc môn, trạm biên phòng, Công an, Hải quan, kiểm dịch, bến bãi, kho tàng, cung ứng vận tải... gắn liền với các công trình dịch vụ.

[Ra mắt khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại thị trấn Sa Pa]

Khu dịch vụ cửa khẩu quy mô khoảng 356,07ha nằm tại các khu vực cửa khẩu gồm các chức năng: khu tổ chức hội chợ, triển lãm, văn phòng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí; công viên cây xanh; Trung tâm khu thương mại công nghiệp, kho ngoại quan...

Khu công nghiệp gồm các khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp sạch và Khu công nghiệp gia công, chế biến, đóng gói hàng xuất nhập khẩu quy mô khoảng 228ha thuộc xã Bản Qua, huyện Bát Xát, nằm trong khu hợp tác qua biên giới, phía Nam Bản Vược và phía Tây Nam đường tỉnh lộ 156B phát triển các ngành dịch vụ, logistics, kho hàng, gia công, đóng gói, chế tạo...

Khu phức hợp dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, thể thao, sân golf ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, quy mô diện tích khoảng 344,46ha; phát triển các loại hình du lịch đa dạng như du lịch qua biên giới, du lịch thể thao, du lịch triển lãm thương mại, du lịch phong cảnh kết hợp mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng, ưu tiên đầu tư xây dựng loại hình du lịch thể thao...

Ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh việc thực hiện tốt Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ góp phần xây dựng Lào Cai trở thành một tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc. Đây là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng, một trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại, vận tải trung chuyển hàng hóa quy mô lớn của khu vực và quốc tế.

Để quy hoạch đi vào cuộc sống, ông Lê Ngọc Hưng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền của các địa phương khẩn trương phổ biến đồ án Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong vùng quy hoạch, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để phối hợp với chính quyền thực hiện tốt quy hoạch.

Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền của các địa phương nghiên cứu đề xuất các chính sách chuyển đổi nghề nghiệp đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân vùng dự án; chủ động xây dựng phương án giải phòng mặt bằng và bố trí tái định cư; triển khai việc cắm mốc giới, bàn giao mốc giới; quản lý chặt chẽ và có hiệu quả việc đầu tư phát triển theo đúng nội dung quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.