Đi cùng với hành trình 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô, Công đoàn Hà Nội luôn làm tốt nhiệm vụ vận động, tổ chức công nhân lao động đoàn kết dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, quyền lợi giai cấp công nhân và người lao động, phấn đấu không ngừng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đi đầu trong khôi phục kinh tế
Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và Đại đoàn 308, đi đầu Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tiến vào Hà Nội. Do phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ở chiến khu về và lực lượng cốt cán ở nội thành, công tác tiếp quản Thủ đô được triển khai nhanh chóng.
Ở tất cả các xí nghiệp, công sở có liên quan trực tiếp đến sinh hoạt của thành phố, anh chị em công nhân, viên chức một mặt đấu tranh bảo vệ máy móc, tài liệu, mặt khác tích cực chuẩn bị đưa xí nghiệp, công sở trở lại hoạt động bình thường.
Ban Công vận Công đoàn thành phố tổ chức cho công nhân học tập chính sách tiếp quản, chăm lo giải quyết yêu cầu đời sống, vận động anh chị em công nhân tiếp tục làm việc, phục vụ nhân dân trong những ngày đầu giải phóng. Công nhân và Công đoàn một số xí nghiệp đã tổ chức đưa các thiết bị máy móc quan trọng, trước đây đem cất giấu ở vùng ven đô về các xí nghiệp, công sở để nhanh chóng ổn định sản xuất.
Thời điểm đầu năm 1955, tổng số cán bộ, công nhân, viên chức Hà Nội là 39.019 người. Đứng trước nhiều khó khăn, thử thách do Hà Nội thời thuộc Pháp là thành phố tiêu thụ, với chức năng chủ yếu là phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp, nền kinh tế phụ thuộc, sản xuất công nghiệp rất ít, nạn thất nghiệp bủa vây. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải khẩn trương củng cố tổ chức Công đoàn làm hạt nhân vận động, giáo dục công nhân.
Liên hiệp Công đoàn Hà Nội xác định từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, xây dựng hình thức tổ chức, nhiệm vụ Công đoàn cũng thay đổi cho phù hợp, trọng tâm công tác Công đoàn là vận động đẩy mạnh sản xuất, trên cơ sở ấy chăm lo cải thiện đời sống.
70 năm cùng quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, dù ở mỗi giai đoạn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ khác nhau, song hệ thống Công đoàn Hà Nội không ngừng lớn mạnh và phát triển với những phong trào thi đua đỉnh cao quyết thắng như phong trào vững tay búa, chắc tay súng, đi tiên phong trong cao trào cách mạng Thủ đô (giai đoạn 1966-1968).
Giai đoạn 1969-1975, công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt cùng nhân dân miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975. Vai trò của tổ chức Công đoàn được Đảng, chính quyền rất coi trọng, vì có sức mạnh tập hợp công nhân lao động, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Viết tiếp trang sử vẻ vang
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, trong suốt thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô có nhiều sáng tạo, đổi mới với phương châm lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm; tập trung làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn có nhiều đề án, giải pháp, cách làm mới, đi đầu trong xây dựng các mô hình mới, hiệu quả, có sức lan tỏa được cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động và đoàn viên, người lao động ghi nhận.
Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 250.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 2,7 triệu lao động; tỷ lệ đã qua đào tạo đạt 70,3%. Trong đó, có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 9 khu công nghiệp với khoảng 160.000 lao động.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn với tổng số 9.360 Công đoàn cơ sở và 700.401 đoàn viên; trong đó khu vực sản xuất kinh doanh có 5.918 Công đoàn với 506.709 đoàn viên công đoàn.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết bằng những việc làm cụ thể của tổ chức Công đoàn Thủ đô đã khơi dậy trong công nhân viên chức, lao động ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết pháp luật, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động nhằm đáp ứng được xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Để khơi dậy ý thức trách nhiệm, khả năng sáng tạo, lòng nhiệt tình cách mạng của công nhân viên chức-lao động, Công đoàn các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua góp phần cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, duy trì sự tăng trưởng, phát triển bền vững của đơn vị. Tiêu biểu như phong trào: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo," "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi," phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô," "Sáng kiến-sáng tạo"...
Đặc biệt, sau 15 năm triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, sáng tạo Nghị quyết 20 - NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước," nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố Hà Nội về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam có chuyển biến tích cực. Thành phố đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân, nhất là tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp; tập hợp, thu hút kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên là công nhân lao động trong doanh nghiệp.
"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tự hào và đánh giá cao những cống hiến của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội, dịch bệnh COVID-19, sự vững vàng và quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách của toàn thể đội ngũ người lao động là tấm gương sáng, tiêu biểu cho phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam anh hùng," đó là phát biểu của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội tại Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Thời gian tới, tổ chức Công đoàn Thủ đô tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới;" Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;" Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội để triển khai hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân viên chức-lao động theo hướng đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế.
Từ đó, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2028, toàn thành phố có 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể; ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có yêu cầu tổ chức Công đoàn tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước và Thủ đô sẽ tạo ra nhiều thuận lợi; song, cũng đặt các doanh nghiệp và người lao động trước những thách thức của môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việc đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cải thiện đời sống cho người lao động trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Công đoàn Thủ đô luôn đồng hành, hết lòng ủng hộ và trân trọng những doanh nghiệp đang bền bỉ ngày đêm, luôn coi lợi ích của người lao động chính là lợi ích của doanh nghiệp, cùng với tổ chức Công đoàn có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ người lao động./.
Công đoàn hỗ trợ vé máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết 2025
Công đoàn Việt Nam chỉ đạo tổ chức “Chuyến tàu Công đoàn-Xuân 2025” hỗ trợ khoảng 2.000 vé tàu 2 chiều, “Chuyến bay Công đoàn-Xuân 2025” với 400 vé máy bay 1 chiều cho người lao động ra phía Bắc.