Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN (8/8/1967-8/8/2017), sáng 19/7, Bộ Ngoại giao tổ chức chuỗi sự kiện Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam."
Tọa đàm có sự tham dự của 200 đại biểu trong và ngoài nước.
Trải qua nửa thế kỷ với nhiều chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực, ASEAN đã trở nên lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt, được thế giới công nhận như một tổ chức hợp tác đa phương thành công nhất.
Là một trong ba trụ cột quan trọng trong cộng đồng ASEAN gồm chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, sau hơn một năm thành lập, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường, tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.
Tuy nhiên, lợi ích và cơ hội AEC có thể đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
Nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN
Khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, khẳng định sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm.
Theo ông Vũ Quang Minh, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập. Ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp có sự quan tâm, tìm hiểu về AEC, thế nhưng chỉ có 16% số doanh nghiệp Việt thực sự hiểu về AEC. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng kinh tế ASEAN tới cộng đồng doanh nghiệp luôn là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia ASEAN thời gian qua, trong đó có Việt Nam.
[Cơ hội và thách thức của ASEAN sau 50 năm hình thành, phát triển]
Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” là cơ hội để lãnh đạo, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi, làm rõ, tìm ra các ý tưởng, phương thức mới giúp cộng đồng và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, sẵn sàng đối phó với thách thức trong quá trình hội nhập AEC đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm, giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), chia sẻ qua nửa thế kỷ, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng cho toàn bộ khu vực châu Á nói chung. Sự thịnh vượng của khu vực châu Á được gói gọn trong ba yếu tố, đó là hòa bình, dân số và sự ổn định. ASEAN đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và một khu vực có nền tảng sản xuất, qua đó mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên và cư dân của ASEAN.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam tại AEC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh sự ra đời và phát triển trong gần hai năm qua của AEC đã mang những dấu ấn của Việt Nam bởi trên thực tế, Việt Nam đã tham gia tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu khi Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) mới chỉ manh nha. Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN (từ ngày 28/7/1995), kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam.
ASEAN cũng là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững thời gian qua.
Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển của ASEAN đạt bình quân phát triển của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân.
Trong quá trình hội nhập liên kết, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ. Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua những sáng kiến, khuôn khổ trong lĩnh vực hợp tác, sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chính.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho rằng ASEAN cần vượt qua nhiều khó khăn như khoảng cách phát triển giữa các nước, khác biệt giữa trình độ phát triển, luật pháp, thể chế, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh trong quá trình hội nhập như mục tiêu phát triển khác nhau, già hóa dân số, bẫy thu nhập trung bình, bất bình đẳng và các mối đe dọa phi truyền thống.
Theo ông Lê Lương Minh, thực tế trên đòi hỏi ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần vượt qua những thách thức. Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực-RCEP và ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, hiện thực hóa AEC ở tầm phát triển mới chính là nhiệm vụ của chính phủ các nước thành viên và của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối từ hạ tầng đến người dân là những việc các Chính phủ cần thúc đẩy.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự “đặt chân” vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp.
“Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục “đổi mới” và cải cách nền kinh tế. Tinh thần “đổi mới” được thể hiện qua những nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và lắng nghe. Trong nước, Chính phủ tạo môi trường để doanh nghiệp trưởng thành và phát triển. Bên ngoài, Chính phủ tạo những khuôn khổ và môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hội nhập. Chính phủ luôn đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những thành công sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp nhận thức được cơ hội và nắm bắt được cơ hội” Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau tìm hiểu những tác động, thách thức và cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN đối với nền kinh tế Việt Nam; nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để vượt qua những thách thức đến từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và tranh thủ tối đa lợi ích Cộng đồng này mang lại; việc thực hiện AEC từ góc nhìn Việt Nam với một số vấn đề lớn như: Cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; nhận thức và độ sẵn sàng của doanh nghiệp.
Các đại biểu dự Tọa đàm bàn thảo về cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN dành cho doanh nghiệp thông qua khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp và nâng cao năng lực kinh doanh, trong đó chú trọng vấn đề tranh thủ ASEAN nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; giải pháp giúp doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã trao Biểu trưng 50 năm ASEAN tặng các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam./.