Những ngày qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, công tác vệ sinh môi trường lại càng được chú trọng hơn bao giờ hết bởi rác thải bất cứ lúc nào cũng có thể là trung gian lây bệnh.
Tuy không trực tiếp tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 nhưng các công nhân vệ sinh môi trường luôn có mặt tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện để thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải y tế, rác thải sinh hoạt nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường của thành phố.
Cận kề nguy hiểm
Đúng 11 giờ mỗi ngày, giữa cái nắng 36-38 độ C, anh Nguyễn Thanh Phong, công nhân Chi nhánh Dịch vụ môi trường thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) lại mặc trang phục bảo hộ trùm kín người, lái chiếc xe có tải trọng 3,5 tấn để cùng đồng nghiệp vào khu chứa rác rộng khoảng 60m2 trong Bệnh viện dã chiến Củ Chi (cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh) hơn 30km để thu gom các loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế.
[COVID-19 khiến công nhân môi trường hoạt động "hết công suất"]
Tại bãi chứa rác của bệnh viện, anh Phong điều khiển cần trục cho hệ thống nâng hạ ở đuôi xe hoạt động. Hai nhân viên còn lại dùng bình phun dung dịch sát khuẩn toàn bộ xe, đồng thời ghi chép nhật ký giao nhận.
Sau đó, anh Phong cùng đồng nghiệp di chuyển hơn 20 thùng rác với dung tích 240 lít mỗi thùng, đã được niêm phong kín bằng băng keo chuyên dụng, đưa vào vị trí tập kết ở đuôi xe để cẩu lên thùng.
Xe được phun khử khuẩn thêm một lần nữa rồi chạy về nơi xử lý tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).
Các loại rác được thu gom chủ yếu là dụng cụ vệ sinh cá nhân, khăn, giấy, khẩu trang... đều thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 của hơn 200 bệnh nhân điều trị tại 6 khu trong bệnh viện.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO, Bệnh viện dã chiến Củ Chi chỉ là một trong hàng trăm khu cách ly, phong toả, điều trị COVID-19 trêb khắp thành phố mà hàng ngày các công nhân của công ty đến thu gom rác.
Gần một tháng qua, khi dịch lây lan mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người được cách ly tập trung và cách ly tại khu dân cư tăng cao, công việc của các công nhân CITENCO cũng tăng gấp đôi so với thời gian trước.
Mỗi ngày, các nhân viên phải dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe hơn 200km khắp thành phố để thu gom khoảng 35 tấn rác thải tại 85 khu cách ly, bệnh viện, trong khi công suất xử lý tối đa của CITENCO là 42 tấn/ngày.
Nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lượng rác có nguy cơ vượt quá khả năng xử lý của đơn vị.
Hiện tại, để công tác thu gom rác tại các khu vực cách ly được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng rác, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, CITENCO đã bố trí thường trực một đội gồm hơn 300 công nhân (bao gồm lực lượng trực tiếp và gián tiếp) hoạt động với tần suất 3 ca/ngày và 24/24 giờ.
Nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, CITENCO đã trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân và tập huấn các nguyên tắc, quy định về phòng dịch ở từng khu vực, vị trí làm việc.
Tuy nhiên, do lượng rác phải thu gom quá lớn, các điểm thu gom cách nhau xa và thời gian thu gom gấp rút nên đã gây áp lực rất lớn đối với công nhân. Nhiều người không dám về nhà để bảo đảm an toàn cho người thân nên ăn, ngủ tại các điểm xử lý rác.
Công nhân làm công tác xử lý, tiêu hủy cũng đối mặt với không ít áp lực và các nguy cơ về sức khoẻ do tác động từ môi trường làm việc.
Theo chia sẻ của các công nhân tại khu vực xử lý đốt rác y tế, các lò đốt này có nền nhiệt rất cao, trung bình lên tới 1.000 độ C nên sức nóng tỏa ra bên ngoài cũng rất lớn.
Nhiều công nhân đã ngất xỉu khi đang làm việc do phải đứng vận hành máy móc liên tục suốt 12 tiếng mỗi ngày giữa cái nóng "như thiêu như đốt" và trong trang phục bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân.
Chưa kể tới sức nóng, chỉ riêng mùi dung dịch sát khuẩn nồng nặc cũng khiến nhiều công nhân buồn nôn, mệt mỏi, không ngất xỉu thì sau giờ làm cũng không ăn uống gì được.
Không ngại khó vì lợi ích chung
Chia sẻ về những áp lực của công việc, anh Triều Phước An, công nhân CITENCO, cho biết do tính chất công việc phải tiếp xúc thường xuyên với rác thải chứa mầm bệnh từ những người nhiễm, thường xuyên vào các khu cách ly để thu gom, vận chuyển, xử lý rác nên nguy cơ công nhân vệ sinh môi trường bị lây nhiễm là khó tránh khỏi. Không chỉ vậy, nhiều công nhân vì làm công việc có nguy cơ lây nhiễm cao nên thường bị hàng xóm kỳ thị, thậm chí bị người thân xa lánh.
"Để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và hàng xóm nên công nhân thường chọn cách ở lại công ty và chỉ về nhà sau khoảng 20 ngày kể từ ngày ngưng tiếp nhận công việc. Riêng trong đợt dịch lần này, nhiều anh em công nhân đã ở lại chỗ làm suốt nhiều tuần qua, chưa biết khi nào mới có thể về với gia đình," anh Triều Phước An chia sẻ.
Tuy vậy, theo anh Phước An, mỗi công nhân đều nhận thức rõ vai trò công việc của mình trong công tác phòng, chống dịch, giữ gìn an toàn, vệ sinh môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung.
Dù làm việc vất vả và đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm COVID-19, các công nhân vẫn cố gắng hoàn tất nhiệm vụ.
Điều mà mỗi công nhân mong muốn là người dân cùng chung tay với ngành môi trường thành phố, thực hiện nghiêm Thông điệp “5K” và các quy định của Chính phủ, của Thành phố Hồ Chí Minh để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây cũng là cách để giúp lực lượng công nhân vệ sinh sớm hoàn thành nhiệm vụ, được về với gia đình.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, đông đảo công nhân của CITENCO đều không ngại khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời bày tỏ hy vọng các cơ quan chức năng cho công nhân sớm được tiêm phòng để tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, lực lượng công nhân cũng rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của doanh nghiệp, các cấp chính quyền Thành phố để tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực giúp họ thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), cho biết lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người lây nhiễm COVID-19 trên cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch lây lan. Do đó, họ cần được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, đồng thời cần được nhìn nhận là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần hướng dẫn những địa phương trong thành phố có ca mắc hoặc có nguy cơ mắc COVID-19 cao, cũng như các khu đang bị phong tỏa, cách ly cần thực hiện phân loại rác sinh hoạt và y tế.
Khi các loại rác liên quan đến COVID-19 được phân loại cẩn thận thì sẽ giúp công tác thu gom nhanh và dễ dàng hơn, giảm áp lực cho công nhân và các nhà máy xử lý./.