Giảm rác thải trong ‘mùa dịch’: Việc làm nhỏ cho ‘trận thắng lớn’

Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chóng dịch COVID-19, khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội đã giảm khoảng 10% so với trước thời điểm dịch.
Khu chợ cóc ở trong khu đô thị mới Kim Văn Kim Lũ đã bị "giải tỏa," cấm hoạt động. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Khu chợ cóc ở trong khu đô thị mới Kim Văn Kim Lũ đã bị "giải tỏa," cấm hoạt động. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Trong bối cảnh đó, việc dừng các hoạt động hàng quán, đóng cửa "chợ cóc" cũng đã góp phần làm giảm lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa tại tại các khu vực dân sinh, tuyến phố trên địa bàn Thủ đô.

Xác nhận với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trong khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây, theo báo cáo của đơn vị quản lý, tiếp nhận rác tại các khu xử lý tập trung của thành phố, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã giảm khoảng 10% so với trước thời điểm dịch COVID-19.

Đi chợ giãn cách, hạn chế túi nilon

Hơn 15 ngày qua, các khu chợ tạm, “chợ cóc” ở trong khu đô thị mới Kim Văn-Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đã bị giải tỏa sau khi có công điện hỏa tốc tạm dừng một số hoạt động nguy cơ lây lan dịch COVID-19 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong khoảng thời gian này, bà Nguyễn Thị Hoa (63 tuổi) đang sống cùng con ở chung cư Kim Văn-Kim Lũ cũng chuyển dần thói quen tiêu dùng từ “chợ cóc” sang hình thức giao dịch online hay tìm tới một số khu siêu thị ở các tòa nhà bên cạnh. Tuy nhiên, số lần bà Hoa đi chợ cũng giảm đi nhiều, phần vì ngại đi lại dịch bệnh phức tạp, phần vì trước giờ bà đã quen với cảnh ở quê - chỉ đi ra chợ truyền thống, lên Hà Nội ở với con để chăm cháu lại “quen” chợ ven đường.

Bà Hoa bảo mới lên thành phố Hà Nội được gần 2 tháng. Trong thời gian qua, điều bà thấy phiền nhất là mỗi lần đi chợ lại phải mang về rất nhiều túi nilon. Dẫn ví dụ từ trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, mỗi lần đi thể dục về, bà thường tranh thủ dừng lại "chợ cóc" về lo bữa ăn trong ngày. Cứ mỗi thứ, người bán tiện tay lại cho vào 1 túi nilon...

“Tôi thấy người ta lạm dụng túi nilon nhiều quá. Trong khi ở quê, mỗi lần đi chợ, tôi chỉ cần mang mỗi chiếc làn nhựa và ít lá chuối. Mua gì cũng đùm trong tấm lá rồi cho vào làn nhựa mang về. Thế nên từ khi cấm chợ ven đường, mỗi tuần gia đình tôi cũng chỉ vào siêu thị mua thực phẩm vài lần. Nhờ đó, lượng túi nilon gia đình tôi sử dụng mỗi tuần đã giảm đi rất nhiều,” bà Hoa chia sẻ.

[Tháng hành động vì môi trường: Chung tay hướng tới ‘tương lai xanh’]

Những ngày qua, nhiều cư dân sinh sống cùng chung cư với bà Hoa cũng đã quyết định “đi chợ giãn cách” - thay vì đi chợ hàng ngày chuyển sang 2-3 ngày đi chợ 1 lần. Ngoài ra, đối với mua thực phẩm online, nhiều chủ cửa hàng cũng có ý thức sử dụng những hộp đựng an toàn và thân thiện với môi trường hơn, nhờ đó, lượng túi nilon thải bỏ ở chung cư đã giảm đáng kể.

Giảm rác thải trong ‘mùa dịch’: Việc làm nhỏ cho ‘trận thắng lớn’ ảnh 1Hình ảnh người dân ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai mang làn nhựa đi chợ để hạn chế túi nilon. (HV/Vietnam+)

Ấn tượng nhất là hình ảnh anh Nguyễn Văn Toàn đang sinh sống tại một chung cư ở quận Hoàng Mai. Dù là đàn ông, sinh sống nhiều năm ở thành phố nhưng anh đã khiến nhiều người phải trầm trồ suy nghĩ khi mỗi lần đi chợ, anh đều mang theo chiếc giỏ đan bằng mây mua từ quê nhà Phú Thọ để đựng thực phẩm.

Anh Toàn kể hơn 10 năm trước, anh được nhận học bổng và có cơ hội đi sang Pháp. Trong quãng thời gian sống và học tập ở đất nước văn minh, anh thấy đường phố rất sạch sẽ, nhiều người đi mua sắm còn mang theo túi vải sử dụng, rất hiếm khi thấy túi nilon vứt bừa bãi ở ven đường. Từ đó, thói quen khi đi mua sắm của anh đã thay đổi.

“Sau này về làm việc ở Hà Nội, nhất là khi Nhà nước tuyên truyền giảm rác thải nhựa bằng cách nói không với túi nilon sử dụng một lần, gia đình tôi đã chuyển sang giỏ mây để đi chợ; trong balo mang đi làm, lúc nào cũng có sẵn 1-2 túi vải to phòng khi đi siêu thị mua sắm để đựng, nên rất hiếm khi mang túi nilon về nhà,” anh Toàn chia sẻ.

Cách ứng xử với túi nilon mỗi khi đi chợ của anh Toàn, bà Hoa có thể là “lạ” nhưng đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế, không ít người đồng tình và chia sẻ bản thân cũng đang áp dụng cách này để giảm túi nilon thải ra môi trường. Tất nhiên số người làm được chưa nhiều nhưng từ một hành động nhỏ có thể sẽ được lan tỏa, góp phần làm nên “trận thắng lớn.”

Rác thải sinh hoạt giảm khoảng 10%

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện một số công ty thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thanh Trì, quận Hoàng Mai... đều khẳng định trong khoảng thời gian nửa tháng qua, lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa, túi nilon trong các khu dân sinh đã giảm rất nhiều.

Thậm chí, ở một số khu vực, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày còn giảm sâu: Thời điểm trước dịch COVID-19, mỗi ngày các đơn vị thu gom, vận chuyển khoảng 100 tấn/ngày, nhưng gần đây chỉ còn 80-90 tấn/ngày.

“Với những người đi thu gom, rác thải giảm là mừng nhưng để đảm bảo môi trường và cảnh quan môi trường cho thành phố, chúng tôi vẫn cắt cử đủ lực lượng, phương tiện đi thu gom như mọi ngày theo khẩu hiệu rác thải ra đâu dọn sạch tới đó,” đại diện một công ty thu gom rác thải chia sẻ.

Giảm rác thải trong ‘mùa dịch’: Việc làm nhỏ cho ‘trận thắng lớn’ ảnh 2Người dân sử dụng túi chuyên dụng để đựng hoa quả, thực phẩm khi đi chợ. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ở góc độ cơ quan quản lý các hoạt động liên quan đến rác thải, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thời gian qua đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị tăng cường công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn theo phân cấp; thực hiện phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn trong mọi hoạt động.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, thông suốt trong khâu thu gom, tiếp nhận rác thải sinh hoạt tại các khu xử lý tập trung của thành phố, Sở Xây dựng cũng đã thường xuyên kiểm tra đôn đốc, yêu cầu xây dựng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 tại các khu xử lý tập trung Nam Sơn, Xuân Sơn; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động trong khâu tiếp nhận và xử lý rác thải.

[Giải quyết dứt điểm ô nhiễm: Cần thanh tra đột xuất, xử phạt nặng]

Theo báo cáo của đơn vị quản lý, tiếp nhận rác tại các khu xử lý tập trung thành phố Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã giảm khoảng 10% so với trước thời điểm dịch COVID-19.

“Việc giảm rác thải sinh hoạt trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều yếu tố liên quan tới dịch bệnh như: Giảm lượng khách du lịch tới thành phố; các nhà hàng, tổ chức sự kiện giảm nên lượng rác sinh hoạt có giảm xuống,” đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lưu ý.

Riêng rác thải nhựa, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết theo số liệu tổng hợp trước giai đoạn cao điểm dịch COVID-19, khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom và vận chuyển về về các khu xử lý tập trung của thành phố trung bình khoảng 6.500 tấn/ngày. Phương thức xử lý chủ yếu bằng chôn lấp hợp vệ sinh, không phân loại rác nên không xác định được tỷ lệ rác thải nhựa khi chôn lấp.

Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của tư vấn JICA-Nhật Bản, tỷ lệ rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội chiếm khoảng 17% nhưng tỷ lệ này phụ thuộc vào từng khu vực và thời điểm trong năm. Một phần rác thải nhựa được người dân tự tái chế, hoặc được tái chế qua lực lượng thu gom tự phát tư nhân.

Không để lây nhiễm từ rác thải

Để góp phần đảm bảo an toàn rác thải trong mùa dịch, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết ngay từ năm 2020, khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác thanh-kiểm tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa, rác thải y tế lây nhiễm.

Giảm rác thải trong ‘mùa dịch’: Việc làm nhỏ cho ‘trận thắng lớn’ ảnh 3Chất thải y tế được phân loại chi tiết theo màu túi nylon như: chất thải thông thường (màu xanh), chất thải lây nhiễm (màu vàng), chất thải tái chế (màu trắng). (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế.

Trên cơ sở thông tin diễn biến của dịnh bệnh hiện nay và tình hình quản lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19, mới đây, ngày 26/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có công văn  gửi các địa phương và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế để tăng cường thực hiện một số biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải y tế, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường góp phần phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương cần tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định về quản lý chất thải; ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.

Các cơ quan, đơn vị tại địa phương cần chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý chất thải y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực xử lý chất thải y tế hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế.

Đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép nhưng vẫn phải đảm bảo công suất xử lý chất thải đã được cấp phép và công tác xử lý tại địa phương mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục