Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan về việc tổ chức các hoạt động của “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) năm 2021.
Trên cơ sở đó, bộ này kêu gọi các cơ quan, tổ chức cần triển khai các giải pháp căn cơ để phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, hướng tới “cuộc sống xanh.”
Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, "điều hòa" không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men. Các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã.
Tuy nhiên, hiện các hệ sinh thái đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như: Nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức.
Chính vì thế, ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021-2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây cũng là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất.
[14 tổ chức bảo tồn kiến nghị kiểm soát ‘địa ngục chim trời" ở Long An]
Với ý nghĩa đó, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 đã được Liên hợp quốc chọn chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái,” nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu.
Cùng mục tiêu hướng tới “cuộc sống xanh,” Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay cũng được phát động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Theo đó, chủ đề của Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên.”
Thông điệp này tiếp tục chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 “các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” nhằm kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân.
Hướng tới "tương lai xanh”
Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và các đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững.
Đặc biệt các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế-xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên; thu gom rác thải trong môi trường; triển khai hoạt động đánh bắt hải sản bền vững.
Ngoài ra các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, nhất là tình hình dịch bệnh, tổ chức tuyên truyền phù hợp về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 theo hướng: Thực hiện mục tiêu kép; có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm (nên theo hình thức trực tuyến) như: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Đặc biệt là các cơ quan chức năng cần tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc không săn bắt động vật quý hiếm./.