Cộng hòa Séc phản đối ý tưởng đóng cửa biên giới Schengen

Nghị sỹ Nghị viện châu Âu của Cộng hòa Séc Jiří Pospisil cho rằng việc đóng cửa biên giới trong nội bộ Schengen không giải quyết được các vấn đề liên quan đến khủng bố.
Cộng hòa Séc phản đối ý tưởng đóng cửa biên giới Schengen ảnh 1Cộng hòa Séc phản đối đóng cửa biên giới Schengen (Nguồn: cz.sputniknews.com)

Hơn một tuần nay kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris trên các báo, đài lớn ở châu Âu và trên thế giới dồn dập xuất hiện thông tin về việc các phần tử chọn Cộng hòa Séc làm nơi trung chuyển để đến Pháp cũng như các nước Tây Âu khác. Nếu vậy Séc có ủng hộ việc đóng cửa biên giới Schengen vì lý do an ninh?

Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka tại cuộc họp báo mới đây đã thừa nhận, Séc nằm trên lộ trình của các phần tử Hồi giáo cực đoan từ Trung Đông đến Tây Âu. Ông cũng tiết lộ rằng đây là thông tin do các cơ quan tình báo đáng tin cậy cung cấp.

Theo Đài phát thanh Prague, tin tình báo cho biết một người quốc tịch Pháp trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị cơ quan an ninh Pháp thẩm vấn hồi tháng Năm năm nay sau chuyến đi Syria trở về.

Đối tượng này khai rằng Abdelhamid Abaaoud - nghi phạm chủ mưu các vụ khủng bố tại Paris tối 13/11 và đã bị tiêu diệt rạng sáng 18/11, lệnh cho hắn phải đi vòng qua Prague để tránh bị phát hiện. Lý do để các phần tử khủng bố vượt qua lãnh thổ Séc để đến Paris là để tránh sự chú ý của các cơ quan an ninh Pháp bởi Séc là một quốc gia thanh bình.

Cộng hòa Séc cũng như một số nước Đông Âu không có nhiều người nhập cư Hồi giáo và càng không phải là đích ngắm của các phần tử khủng bố, chúng chỉ chọn các quốc gia này làm nơi gặp gỡ nhau hay làm lộ trình trung chuyển an toàn.

Bộ trưởng Nội vụ và bộ trưởng Tư pháp các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/11 đã họp ở Brussel, Bỉ để bàn đến vấn đề làm sao hạn chế khả năng các phần tử khủng bố đến được Tây Âu qua lãnh thổ Séc và một số nước Đông Âu khác. Đóng cửa biên giới trong nội bộ Schengen là phương án mà chính phủ một số nước EU tính đến.

Tuy nhiên, Nghị sỹ Nghị viện châu Âu của Cộng hòa Séc Jiří Pospisil cho rằng việc đóng cửa biên giới không giải quyết được các vấn đề liên quan đến khủng bố.

Ông khẳng định: "Hiệp ước Schengen đang bị đe dọa, đang trong thời kỳ khủng hoảng. Điều này được minh chứng qua việc Hà Lan đưa ra ý tưởng thu hẹp không gian của khu vực Schengen chỉ còn mấy quốc gia mà thôi. Tôi là người ủng hộ nhiệt thành cho Hiệp ước Schengen và hy vọng rằng không gian Schengen sẽ không bị phá vỡ. Tôi cho rằng các bộ trưởng của EU họp lại với nhau la đúng. Cần phải thỏa thuận về việc làm thế nào để tăng cường kiểm soát, làm thế nào để hạn chế khả năng dịch chuyển khắp châu Âu của các phần tử khủng bố và những kẻ khủng bố tiềm năng, nhưng đồng thời lại giữ được Schengen."

Chính phủ Hà Lan đang tham khảo ý kiến của các nước đồng minh về việc áp dụng chế độ kiểm tra hộ chiếu tại biên giới 5 nước Tây Âu nhằm hạn chế dòng người tị nạn và các phần tử khủng bố tràn vào đây. 5 nước này gồm Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Đức và Áo - một dạng "Schengen thu hẹp."

Ngoài ra, các trại tị nạn dành cho người nhập cư sẽ được dựng lên bên ngoài biên giới của 5 nước nói trên.

Theo ông Jiří Pospisil, sự xuất hiện dạng "Schengen thu hẹp" phá vỡ một hiệp ước đã được ký kết nhằm bảo đảm sự đi lại tự do trong nội bội Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu.

Ông Michal Tomášek, Phó trưởng khoa Luật, Trường Đại học Karl (Prague) nhận xét: "Hiện tại có thể vượt biên ở bất cứ lúc nào và theo mọi cách. Vậy chẳng lẽ chúng ta phải dựng lên một kiểu màn sắt mới hay cái gì đó đại loại như giữa Mỹ và Mexico chăng? Nhưng ngay cả như vậy cũng không thể đảm bảo tuyệt đối là không có người tị nạn nào vượt qua được."

Thủ tướng Bohuslav Sobotka cho rằng việc đóng cửa biên giới đi ngược lại lợi ích của Cộng hòa Séc: "Chúng ta xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Chúng ta cần một thị trường châu Âu mở cửa, chúng ta gia nhập EU chính là để cho các đường biên giới mở ra cho chúng ta, để cho chúng ta có cơ hội dịch chuyển tự do. Bất cứ sự đóng cửa biên giới nào đều mâu thuẫn với lợi ích của đất nước chúng ta, làm giảm công ăn việc làm cho người lao động, chống lại các doanh nghiệp của chúng ta."./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.