Theo công bố của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ước tính trong năm 2015 sẽ có khoảng 700.000 người nhập cư tràn vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải và con số này có thể còn tăng hơn trong năm 2016.
Đây thực sự là một vấn đề nan giải, một cuộc khủng hoảng đối với châu Âu và nó có tác động đến nhiều mặt nhất là trên lĩnh vực kinh tế.
Cho đến nay, chưa có một thống kê hay một con số cụ thể về chi phí, thiệt hại hay tác động về kinh tế của khủng hoảng nhập cư đối với châu Âu. Tuy vậy, có thể nói những thiệt hại/tác động về kinh tế là không hề nhỏ.
Ngày 6/10, Ủy ban châu Âu đã tiết lộ bản "Kế hoạch hành động chung" với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Nội dung quan trọng nhất của kế hoạch này là hai bên đồng ý để thiết lập 6 trung tâm/trại tị nạn đón nhận người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và EU sẽ cung cấp một khoản trợ giúp về tài chính là 1 tỷ euro trong 2 năm 2015, 2016.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này cũng đã chi 6 tỷ euro cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn/nhập cư chủ yếu đến từ Syria.
Từ tháng 4/2015, EU đã phải chi một khoản ngân sách tới 120 triệu euro cho chiến dịch Triton tìm kiếm cứu nạn trên biển Địa Trung Hải trong hai năm 2015-2016.
Mới đây, Đức và Pháp cũng đã đề xuất áp thêm một loại thuế mới (có thể đánh vào giá nhiên liệu, có thể gộp vào thuế giá trị gia tăng) đề dành cho quỹ xử lý cuộc khủng hoảng người nhập cư.
Như vậy, có thể nói về tổng thể, ngân sách mà EU và các quóc gia thành viên EU phải chi để giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư, đón người nhập cư là không hề nhỏ.
Từ con số của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra với riêng quốc gia này thì có thể ước đoán tổng số tiền EU phải chi cho cuộc khủng hoảng người nhập cư phải lên tới con số hàng chục tỷ euro. Ngoài ra, vấn nạn người nhập cư còn gây ra nhiều tác động và hệ lụy khác nữa.
Việc xử lý cuộc khủng hoảng người nhập cư đòi hỏi nhiều nỗ lực cả về vật chất và công sức con người. Các quốc gia EU tiếp nhận người nhập cư sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh như giáo dục đào tạo, dạy nghề, các chi phí về an sinh xã hội như nhà ở, chăm sóc y tế, trường học, giao thông đi lại...
Trong bối cảnh các nền kinh tế EU vẫn đang trong tiến trình phục hồi mong manh sau cuộc đại khủng hoảng, bóng ma của cuộc khủng hoảng nợ công vẫn chưa biến mất, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao... thì việc EU phải gánh thêm gần triệu người nhập cư hàng năm sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế. Nó cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp tại phần đông các nước EU (ngoại trừ Đức đang có dân số già và muốn người nhập cư như một lực lượng lao động trẻ tiềm năng).
Các vụ khủng bố đãm máu tại Paris tối 13/11, có liên hệ với IS hay vấn đề người nhập cư, sẽ gây ra những tác động nặng nề đối với ngành du lịch, khách sạn, hàng hóa cao cấp của Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung.
Vấn nạn người nhập cư cũng gây ra nhiều hệ lụy khác
Sự chia rẽ trong các nước thành viên EU đối với vấn đề người nhập cư. Trong khi một số nước Tây Bắc Âu với lòng thiện và tư tưởng dân chủ vì quyền con người đã đóng góp rất lớn giúp người nhập cư thì các quốc gia EU thuộc khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Romania, Hungary, Ba Lan... lại phản đối kế hoạch của EU, không đồng ý tiếp nhận người nhập cư.
Các nước châu Âu hiện nay, nhất là những nước có số người gốc châu Phi, Trung Đông nhiều (Pháp, Italy...) đang phải đối mặt với những vấn nạn xã hội do cộng đồng người nhập cư gây ra như những khu phố bất ổn, tình trạng trộm cắp cướp giật, ma túy, mại dâm...
Ngoài ra, rất nhiều người thuộc thế hệ hai, thế hệ ba của người nhập cư giờ đã có quy chế công dân châu Âu hoàn chỉnh, được học hành đào tạo từ tấm bé theo chuẩn sở tại nhưng lại tham gia lực lượng thánh chiến Hồi giáo, và thậm chí số này còn lôi kéo cả những người gốc châu Âu tham gia IS. Theo ước tính, hiện có khoảng vài nghìn người Pháp đã đầu quân cho IS. Đây thực sự là một vấn nạn chưa có lời giải đối với châu Âu.
Bên cạnh những đóng góp tích cực rất hạn chế của người nhập cư. Dòng người nhập cư giai đoạn hiện nay vào châu Âu sẽ gây ra những bất ổn rất lớn cho châu Âu sau này, và những hậu quả sẽ cần nhiều năm để hiện hữu và ngày một nặng nề thêm. Nếu châu Âu không có giải pháp căn cơ, quyết tâm hạn chế và ngăn chặn người nhập cư thì biết đâu một ngày kia châu Âu sẽ bị phá nát hay sụp đổ.
Về một số giải pháp
Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cho phép EU dùng vũ lực đối với các tàu buôn người trên biển Địa Trung Hải. Có thể nói đây là một giải pháp góp phần ngăn chặn dòng người lợi dụng chiến tranh để di cư sang châu Âu.
Một giải pháp căn cơ hơn đã được EU tính đến đó là lập các trại tị nạn bên ngoài châu Âu với sự trợ giúp tài chính từ EU mà thỏa thuận mới đây về việc thành lập 6 trung tâm đón nhận người nhập cư tại Thổ Nhĩ Kỳ là một bước đi đầu tiên trên lộ trình đó.
Song song đó, EU cần tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt các đường biên giới, tăng cường lực lượng và phương tiện cho cơ quan kiểm soát biên giới Frontex; tăng cường chia sẻ thông tin hợp tác về an ninh giữa các nước thành viên EU cũng như với các nước có đường biên giới với EU. Đồng thời EU cần nỗ lực và mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống lại bọn buôn người lợi dụng vấn đề nhập cư đưa người vào châu Âu.
Sau các vụ khủng bố vừa qua tại Paris, có lẽ một số giải pháp như trên là chưa đủ, có thể EU sẽ phải tính tới các biện pháp khắc nghiệt hơn tiến tới chấm dứt dòng người di cư vào châu Âu. Sau đó, châu Âu cũng sẽ phải tính tới các biện pháp đặc biệt để kiểm soát cộng đồng người Hồi giáo từ đó có thể góp phần ngăn chặn khủng bố./.