Công nghiệp ôtô Việt Nam: Cần thêm những “cú” lội ngược dòng

Bộ Công Thương đã thẳng thắn thừa nhận ngành công nghiệp ôtô hoàn toàn không đạt được mục tiêu đề ra theo cam kết của doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.
Công nghiệp ôtô Việt Nam: Cần thêm những “cú” lội ngược dòng ảnh 1Dây chuyền lắp ráp ôtô du lịch tại nhà máy THACO (Khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Năm 2017, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm về mức 30% và sẽ chỉ còn 0% vào năm 2018.

Động thái này được dự đoán các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu xe ôtô trong nước sẽ phải chịu tác động không ít trước cơn bão giá rẻ từ thị trường xe ôtô của Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

Mặc dù vậy, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô thành ngành công nghiệp quan trọng. Tuy nhiên, với những tác động từ hội nhập, nội lực còn mong manh thì mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ôtô như mong muốn liệu có được hiện thực hóa?

Động thái trái chiều

Sau hơn 20 năm phát triển với nhiều ưu đãi nhưng “giấc mơ” về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa thành hiện thực. Bộ Công Thương đã thẳng thắn thừa nhận ngành công nghiệp ôtô hoàn toàn không đạt được mục tiêu đề ra theo cam kết của doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.

Thời điểm thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) giảm còn 0% đang cận kề, Bộ Công Thương khẳng định sẽ có tác động đến thị trường xe ôtô Việt Nam từ năm 2018. Tuy nhiên, không phải chờ đến thời điểm này, ngay những tháng đầu năm 2017, lượng xe ôtô nhập khẩu về ngày càng nhiều, tháng sau cao hơn tháng trước, nâng tổng xe nhập khẩu ba tháng đầu năm lên 28.000 chiếc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó ôtô nguyên chiếc từ ASEAN tăng tới hơn 76%, chủ yếu từ Indonesia và Thái Lan.

Sau hơn 20 năm phát triển ngành, đến gần thời điểm mở cửa thị trường hoàn toàn, Chủ tịch VAMA Toru Kinoshita lại cho rằng các thành viên mong muốn phát triển sản xuất ôtô trong nước, nhưng khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, lượng xe sẽ về nhiều, một số thành viên sẽ không tồn tại được.

Tuy nhiên thực tế cho thấy một số “ông lớn” đã và đang thu hẹp sản xuất, chỉ duy trì mẫu xe có doanh số lớn và chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối thay cho lắp ráp như trước đây.

Ở chiều hướng khác, cũng là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô và dù “sinh sau đẻ muộn,” lại là doanh nghiệp tư nhân không được hưởng nhiều ưu đãi như các liên doanh nhưng Hyundai Thành Công, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) hay Vinaxuki (trước đây) đã có có vị thế ở thị trường ôtô Việt Nam và ngày càng mở rộng sản xuất, hướng tới xuất khẩu.

Điển hình như Thaco sau 14 năm khởi đầu là nhà máy sản xuất xe tải, xe buýt, đến nay là doanh nghiệp duy nhất sản xuất lắp ráp đầy đủ các loại xe (xe tải, xe khách, xe du lịch và xe chuyên dụng). Đồng thời từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ và đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% đối với xe buýt, 30-35% với xe tải và 18% đối với một số mẫu xe con có sản lượng cao; chiếm hơn 41% thị phần xe nói chung của cả nước.

Cùng với Thaco, sau gần 8 năm sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe du lịch của Hyundai tại Việt Nam, Hyundai Thành Công đã chứng tỏ được tiềm lực trong bối cảnh thị trường ôtô cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Hiện thị phần xe du lịch của Hyundai Thành Công chiếm trên 19% và đứng ở vị trí thứ 3 tại thị trường Việt Nam. So với các thị trường khác trong khu vực, Hyundai Thành Công luôn có sự tăng trưởng cao nhất cùng số lượng xe bán ra thị trường lớn nhất những năm gần đây.

Thêm nữa, trong khi các liên doanh từng bước thu hẹp sản xuất, thì hai tin vui liên tiếp đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Vào tháng Ba vừa qua, Thaco khởi công xây dựng nhà máy Thaco-Mazda tại khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Nhà máy có công suất và quy mô lớn với công nghệ tiên tiến hiện đại 100.000 xe/năm, vốn đầu tư 520 triệu USD và sẽ đưa vào hoạt động tháng 4/2018.

Công nghiệp ôtô Việt Nam: Cần thêm những “cú” lội ngược dòng ảnh 2Hoàn chỉnh ôtô khách để chuẩn bị xuất xưởng. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Không chỉ đầu tư nhà máy xe con, Thaco còn đầu tư cho nhà máy xe bus công suất 20.000 xe/năm, xe tải công suất 100.000 xe/năm với quy mô lớn và công nghệ mới, tự động hóa cao.

Không đứng ngoài cuộc, cuối tháng Ba vừa qua, Tập đoàn Thành Công ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công (Tập đoàn Thành Công), cho biết đây là bước đi quan trọng giúp những mẫu xe Hyundai có thể cạnh tranh với những thương hiệu khác đang chuyển dịch sản phẩm từ ASEAN vào Việt Nam.

Với việc chính thức liên doanh hợp tác này, cơ cấu sản phẩm xe Hyundai tại Việt Nam sẽ chuyển dịch từ tỷ trọng 20% lắp ráp CKD hiện tại lên khoảng 70-80% trong nửa cuối năm 2017 và tăng lên trên 90% trong năm 2018.

Theo giới chuyên môn, việc hai doanh nghiệp này mở rộng đầu tư đúng vào thời điểm diễn biến của thị trường ôtô theo chiều ngược lại khi xe nguyên chiếc bắt đầu nhập khẩu về nhiều và các liên doanh thu hẹp sản xuất đầu tư, được xem là “cú lội ngược dòng” lịch sử. Đây cũng được xem là bước đi đón đầu xu hướng thị trường khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm còn 0% để sẵn sàng xuất khẩu ngược sản phẩm.

Làm gì để vươn ra biển lớn?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận ngành công nghiệp ôtô đang đứng trước nhiều khó khăn và biến động, trước mắt là giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ năm 2018. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển của ngành vẫn kiên trì mục tiêu phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định với dân số gần 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người và tỷ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng, thị trường ôtô Việt Nam được đánh giá đang trên đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng mà không một doanh nghiệp sản xuất ôtô nào có thể bỏ qua.

Tại lễ khởi công nhà máy Thaco-Mazda, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng ví von "những quốc gia có 50 triệu dân trở lên đều làm được ôtô, trong khi Việt Nam có gần 100 triệu dân." Vì vậy Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục khảo sát để xây dựng chính sách cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất ôtô Việt Nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn trước mắt, công nghiệp ôtô Việt Nam cố gắng tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu của các thương hiệu hiện có. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng lớn tại Việt Nam; thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường “ngách,” các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN.

Đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng, Bộ sẽ có những giải pháp hỗ trợ, phát triển cụ thể và cũng tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN...

Mục tiêu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi về Việt Nam ngày càng nhiều, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô để đánh giá toàn diện thị trường ôtô Việt Nam, cơ hội và khó khăn, thách thức từ thời điểm năm 2018 trở đi. Qua đó, Tổ công tác sẽ có giải pháp duy trì và thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Lê Ngọc Đức và các doanh nghiệp khác cũng kiến nghị, thời điểm năm 2018 đang cận kề, thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc từ ASEAN còn 0%, trong khi thuế nhập linh kiện phụ kiện trung bình vẫn ở mức 18%, Chính phủ cần xem xét tỷ lệ này để khuyến khích và duy trì sản xuất lắp ráp trong nước.

Nhưng tất nhiên, không thể chỉ trông chờ mãi vào hỗ trợ của Nhà nước, để có thể lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh thì hơn hết không ai làm thay và làm tốt hơn doanh nghiệp. Muốn thế các doanh nghiệp phải hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng tỷ lệ nội địa hóa càng nhiều càng tốt... để giảm giá và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tín hiệu mừng là các doanh nghiệp sản xuất ôtô cũng chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng sản xuất lắp ráp xe ở trong nước như Thaco hợp tác với Tập đoàn Mazda chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp; đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ôtô đạt tỷ lệ tối thiểu 40% để hướng tới xuất khẩu trong khu vực ASEAN...

Ông Lê Ngọc Đức cũng khẳng định với việc liên doanh với Tập đoàn Hyundai mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Hyundai Thành Công không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu xe Hyundai sang các nước trong khu vực.

Nhưng để giấc mơ ngành công nghiệp ôtô thành hiện thực thì phải có thêm nhiều những Thaco, Hyundai Thành Công, thêm nhiều những “cú” lội ngược dòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.