Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được 'đánh thức'

Khi mỗi người dân nhận thức được khái niệm và vai trò của công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thì Việt Nam mới có thể khẳng định được dấu ấn của mình trên bản đồ sáng tạo thế giới.
Phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng để Việt Nam xây dựng công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột của kinh tế nước nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lời tòa soạn:

Họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng muốn làm công nghiệp văn hóa thì phải có sáng tạo, phải dùng chất xám để làm nên giá trị của một sản phẩm văn hóa. Chi phí cho sáng tạo phải chiếm phần lớn trong sản phẩm chứ không phải là nguyên liệu như hiện nay.

"Việt Nam hoàn toàn có đủ bản sắc độc đáo để làm nên một nền công nghiệp văn hóa song cần thêm lửa để luyện nguyên liệu thô thành vàng," người họa sỹ trăn trở.

Đây cũng là mục tiêu mà Hội nghị Diên Hồng của ngành văn hóa vừa diễn ra cuối năm 2021 hướng tới nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Hay nói cách khác, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Chính vì vậy, phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng để Việt Nam xây dựng công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột của kinh tế nước nhà không kém các ngành sản xuất, dịch vụ khác.

Đích đến đã rất rõ ràng, song hành trình còn nhiều gian nan. Bởi chỉ khi nào từng người dân hiểu đúng và hiểu một cách đầy đủ khái khái niệm công nghiệp văn hóa thì mới có thể khơi dậy được tiềm năng của "viên ngọc quý" này.

Hãy cùng VietnamPlus đi tìm “hình hài” của công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng như những hướng đi, các giải pháp...  của những người làm văn hóa trên con đường xây dựng một "dấu ấn Việt Nam" trên bản đồ thế giới.

Bài 1: “Ba chìm bảy nổi” với công nghiệp văn hóa

Ôm giấc mơ về một nền hội họa Việt Nam tiên tiến, họa sỹ Lê Thiết Cương ý thức được rằng chỉ sáng tạo nghệ thuật âm thầm thì không đủ. Tại ngôi nhà riêng của mình ở 39A Lý Quốc Sư, ông thành lập Gallery 39, một doanh nghiệp văn hóa hoạt động phi lợi nhuận nhằm nâng bước các nghệ sỹ trẻ, hướng tới phát triển nghệ thuật sâu rộng, bền vững ở Việt Nam.

Vừa là nghệ sỹ vừa là chủ doanh nghiệp, họa sỹ Lê Thiết Cương không ít phen “bầm dập” khi “vẫy vùng” trong công nghiệp văn hóa, đặc biệt là khi dịch COVID-19 khiến kinh tế chao đảo, các ngành nghề đều gặp khó khăn chứ không riêng ngành văn hóa, nghệ thuật.

Khi chất xám dễ dàng bị…. đánh cắp

Trước khi thành công với dòng gốm thiền, họa sỹ Lê Thiết Cương đã có những trải nghiệm đau đớn khi “đứa con tinh thần” của mình bỗng nhiên trở thành “con nhà người khác.” Ấy vậy mà đây không phải là chuyện hiếm trong giới sáng tạo.

“Một người nghệ sỹ tạo ra tác phẩm nghệ thuật, có thể là một chiếc lọ, một chiếc đĩa, sau đó anh ta mang bản vẽ đến lò gốm để sản xuất. Người ta thấy hay hay, có thể bán được, vậy là ngoài phiên bản được đặt hàng, lò gốm làm ra thêm cả trăm chiếc nữa. Kết quả là nghệ sỹ mất tác phẩm. Đó chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện chất xám bị đánh cắp,” Lê Thiết Cương day dứt.

Cùng chung nỗi niềm, bà Trần Mai Khanh, quản lý dự án của Công ty QP Việt Nam (đơn vị tư vấn giải pháp đầu tư trong lĩnh vực văn hóa), quản lý không gian sáng tạo Xưởng thứ Bảy (Hà Nội) cho hay thứ giá trị nhất nhưng lại dễ bị “cầm nhầm” nhất ở Việt Nam chính là sản phẩm sáng tạo. Mà đôi khi, cả tác giả và người “cầm nhầm” đều không ý thức được tác hại của việc đó đối với sự phát triển lành mạnh của thị trường kinh tế sáng tạo. Chính bà Mai Khanh cũng từng ngậm ngùi, chua xót khi hồ sơ của công ty mình bị đối tác từ chối ở khâu đấu thầu, sau đó họ lại ngang nhiên sử dụng một phần ý tưởng trong bản thảo.

Họa sỹ Tạ Huy Long giới thiệu các tác phẩm của mình tại Xưởng thứ Bảy. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Bà Mai Khanh cho hay Xưởng thứ Bảy ra đời với mục tiêu trở thành không gian sáng tạo năng động của Thủ đô, nơi chắp cánh cho những khát vọng lớn khởi dựng nền công nghiệp sáng tạo Việt Nam lớn mạnh. Lý tưởng là như vậy nhưng ngay từ khi khởi nghiệp, đội ngũ Xưởng thứ Bảy đã vấp phải nhiều khó khăn về hạ tầng, pháp lý và cả tâm lý thị trường, cộng thêm đại dịch COVID-19 khiến cho rất nhiều dự án phải hủy bỏ.

“Những trường quay, studio phục vụ nhu cầu sản xuất sản phẩm nghe nhìn trong nước hiện nay phần lớn thô sơ và lạc hậu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Xưởng thứ Bảy lại chưa có tiềm lực tài chính để tự đầu tư studio riêng. Khi cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu, việc sản xuất được các sản phẩm chất lượng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn và vốn đầu tư lớn hơn,” bà Mai Khanh chia sẻ.

OTT: Cuộc chơi không cân sức

Bà Mai Khanh chỉ ra một sự bất bình đẳng rõ rệt giữa các doanh nghiệp văn hóa Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, các OTT (over the top, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phim, ảnh qua đường truyền Internet tốc độ cao thay vì các phương tiện truyền thống như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh) trong nước như VieOn, BHD, FPT Play... dù vô cùng nỗ lực song cũng khó có thể cạnh tranh với các OTT ngoại đang thống trị thị trường. Lý do là doanh nghiệp ngoại không có bất kỳ rào cản nào mà OTT Việt Nam phải đối diện như không kiểm duyệt nội dung, không chịu các loại thuế trên lãnh thổ Việt Nam.

Một cảnh quay trong phim truyền hình 'Bão ngầm.' (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Ngoài ra, thị trường còn có một sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với các đơn vị do nhà nước quản lý. Ví dụ như các nhà làm phim độc lập trầy trật huy động vốn, thuê trường quay, đầu tư quảng bá phim để làm sao thu hồi vốn từ doanh thu bán vé, trong khi các hãng phim nhà nước làm phim bằng tiền ngân sách, nhà nước xây phim trường, làng văn hóa cho quay và không cần quan tâm đến doanh thu, thậm chí phim làm xong “đắp chiếu” cũng không ảnh hưởng gì đến hãng…

Một trở lực nữa là khách hàng trong nước vẫn còn “sính ngoại,” luôn có xu hướng trả giá rẻ cho các sản phẩm sáng tạo của các công ty nội địa, trong khi lại sẵn sàng trả giá cao cho các tập đoàn truyền thông lớn để mua những sản phẩm rập khuôn của các tập đoàn này.

“Sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã phần nào thu hẹp những cơ hội phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam,” bà Mai Khanh cho hay.

Cùng chung nhận định này, bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Nội dung của FPT Play, cho hay tại Việt Nam, các doanh nghiệp truyền hình OTT nước ngoài đang ồ ạt đổ bộ vào với nhiều nền tảng lớn như Netflix, WeTV, iQiyi… Người dùng có thể dễ dàng download và sử dụng, có cả phí thuê bao tháng và miễn phí thuê bao tháng.

Ứng dụng HBO Go trên nền tảng FPT Play. (Ảnh chụp màn hình)

Các ứng dụng này không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, không phải đóng thuế, không cần kiểm duyệt, còn với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, được cấp phép luôn phải đảm bảo tính tuân thủ: Việt hóa bằng ngôn ngữ tiếng Việt, đảm bảo kiểm duyệt đúng quy định nên thời gian tiếp cận thị trường về nội dung sẽ chậm hơn các ứng dụng xuyên biên giới, chi phí bỏ ra lại nhiều hơn. 

“Phim ảnh nước ngoài thường xuyên bị ‘cài cắm’ các yếu tố về chủ quyền quốc gia, ‘đường lưỡi bò’… nên chúng tôi phải hết sức thận trọng trong khâu kiểm duyệt nội dung,” bà Hương chia sẻ.

[Ngăn chặn vi phạm trong việc phổ biến phim trên không gian mạng]

Tuy nhiên, bà Hương cũng tỏ ra lạc quan cho rằng khán giả Việt vẫn rất ưa chuộng các bộ phim Việt, các chương trình truyền hình Việt. Nếu như các đơn vị sản xuất nội dung hợp tác, chia sẻ với các doanh nghiệp OTT thì khán giả sẽ hưởng lợi trước tiên, sau đó là các doanh nghiệp vận hành nội dung, vì họ sẽ không còn phải “đánh bắt xa bờ,” nhiều rủi ro và thua thiệt.

Về vấn đề bản quyền, bà Hương cho hay đơn vị của mình từng nếm trải nhiều “thương đau” khi sản phẩm, nội dung bị đánh cắp trên không gian số.

“Hiện tại, FPT Play đang độc quyền giải bóng đá Vô địch các Câu lạc bộ châu Âu và một số giải thể thao khác nên hàng đêm, đội ngũ chúng tôi vẫn phải có người trực để quét các trang lậu. Tất nhiên tài sản nội dung của mình thì mình phải giữ, nhưng chúng tôi cũng rất mong Nhà nước bổ sung chế tài, quy định pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp,” bà nói.

“Biến nguyên liệu thô thành vàng”

Cũng từ góc độ doanh nghiệp, bà Mai Khanh cho rằng để bảo vệ tài sản trí tuệ cho các chủ thể công nghiệp sáng tạo tham gia thị trường quốc tế thì hệ thống pháp luật về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ cần được hoàn thiện và liên tục cập nhật đồng thời việc thực thi các quyền này cần được bảo đảm ở tất cả các cơ quan, tổ chức có chức năng chứng nhận và bảo hộ.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VietnamPlus, họa sỹ Lê Thiết Cương cũng nhắc nhiều lần về vấn đề sở hữu trí tuệ. “Không bảo vệ được tác quyền thì không ai muốn sáng tạo, không sáng tạo thì làm gì có công nghiệp văn hóa,” ông khẳng định.

Họa sỹ Lê Thiết Cương trong triển lãm của mình tại Viện Pháp năm 2021. (Ảnh: Thể thao Văn hóa)

Vậy giá trị của sáng tạo cần được định lượng như thế nào? Họa sỹ Lê Thiết Cương đã từng đi khảo sát tất cả các làng nghề gốm quanh Hà Nội như Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng… Ông băn khoăn mãi về giá tiền của một chiếc lọ gốm, trong 10 đồng thì có 7 đồng là tiền nguyên vật liệu, 3 đồng tiền công chế tác. Đó là cách những người dân làng gốm kinh doanh sản phẩm của mình.

“Nếu phân bổ giá trị như vậy thì hóa ra chúng ta chỉ bán một khối đất có hình thù?” ông trăn trở.

Nghệ sỹ cho rằng muốn làm công nghiệp văn hóa thì phải có sáng tạo, phải dùng chất xám để làm nên giá trị của một sản phẩm văn hóa. Chi phí cho sáng tạo phải chiếm phần lớn trong sản phẩm chứ không phải là nguyên liệu. Ngoài ra, người nghệ sỹ phải dành một phần chi phí để xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền và truyền thông cho sản phẩm của mình.

Ông khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ bản sắc độc đáo để làm nên một nền công nghiệp văn hóa song cần “thêm lửa để luyện nguyên liệu thô thành vàng.”

“Làm sao để không chỉ những người làm văn hóa mà ngay cả người dân bình thường hiểu được công nghiệp văn hóa là bài toán không hề đơn giản,” ông nói./.

Xem toàn bộ loạt bài trong series này:

Bài 2: Làm gì để khai thác ‘Con gà đẻ trứng vàng’ công nghiệp văn hóa?

Bài 3: ‘Nuôi dưỡng tài năng, khơi dậy khát vọng làm văn hóa’

Bài 4: Cần lắm những cái “bắt tay” để khơi thông mạch nguồn sáng tạo

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục