Công nghiệp văn hóa và sáng tạo: Con đường bền vững để giữ gìn di sản

Chuyên gia Pháp cho rằng phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là con đường bền vững để giữ gìn di sản trong cuộc sống hiện đại, giúp cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế.
Festival Huế là chất xúc tác mạnh mẽ để xây dựng và phát triển Huế trở thành một Thành phố Văn hóa Sáng tạo. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Phát triển công nghiệp văn hóa là chiếc “chìa khóa” giải pháp cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đem đến thu nhập ổn định cho người dân sống trong vùng di sản.

Đó là gợi ý của ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse, Phó Chủ tịch Cộng đồng đô thị Toulouse tại hội thảo chuyên đề “Văn hóa, Di sản và Du lịch” ngày 14/4, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội.

Di sản là ‘chiếc ô’ bao trùm

Đồng chủ trì hội thảo, ông Jean-Claude Dardelet điểm lại những dự án hợp tác văn hóa-di sản-du lịch giữa các địa phương Việt Nam-Pháp trong suốt 30 năm qua.

Ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Ông khẳng định rằng các địa phương Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ông Dardelet cho rằng Việt Nam và Pháp có chung quan điểm, tầm nhìn và tham  vọng về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trên cơ sở phát triển du lịch bền vững, biến di sản thành nguồn lực công nghiệp văn hóa, để từ đó có thể cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế.

[Khai trương Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội]

Cùng chung quan điểm, kiến trúc sư Melanie Doremus, Tổng Giám đốc Công ty AREP South Asia cho rằng phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là con đường bền vững để giữ gìn di sản trong cuộc sống hiện đại.

Bà Melanie Doremus cho rằng không nên coi di sản là một cấu phần đơn thuần của quy hoạch tổng hợp, mà phải là một “chiếc ô” bao trùm mọi mặt của sự phát triển, từ đặc điểm đô thị, môi trường, xã hội, các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

“Di sản là yếu tố định hướng cho toàn bộ chiến lược phát triển của địa phương, cần nâng tầm di sản trở thành động lực của sự phát triển,” kiến trúc sư Melanie Doremus nhấn mạnh.

Lấy trường hợp bảo tồn di sản tại Huế, bà cho rằng với các lễ hội, các trường đại học, bề dày lịch sử, môi trường sống…, địa phương này có đầy đủ tài sản và tiêu chí thuận lợi để thu hút các tác nhân từ nền kinh tế văn hóa và sáng tạo.

Dẫn nguồn từ UNESCO, bà Melanie Doremus cho rằng Thành phố Sáng tạo là những thành phố đã tạo điều kiện hiệu quả cho văn hóa và sáng tạo đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng. Bà khẳng định Festival Huế là chất xúc tác mạnh mẽ để xây dựng và phát triển Huế trở thành một Thành phố Văn hóa Sáng tạo, bằng chứng là sự kiện này đã thu hút khách du lịch đến Huế và các địa phương lân cận.

Không nên ‘bảo tàng hóa’ địa phương

Bên cạnh việc chia sẻ tầm nhìn trong phát huy giá trị di sản, các chuyên gia Pháp cũng nêu vấn đề cần phải hài hòa việc bảo tồn di sản với cuộc sống người dân.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng người dân có vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và nâng cao nhận thức đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse nhấn mạnh rằng Pháp luôn tôn trọng di sản bởi đó là nhân chứng của lịch sử, là một phần không thể tách rời của sự phát triển xã hội.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Dardelet cho hay ông đã có dịp đến thăm Hoàng thành Thăng Long cách đây nhiều năm, nay trở lại, ông rất vui mừng vì di tích vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có trong khi Hà Nội đang rất phát triển về cơ sở hạ tầng đô thị.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Ông cho rằng người dân, các chuyên gia và chính quyền Hà Nội biết rất rõ phải làm thế nào để bảo tồn di sản của mình một cách tốt nhất. Ông cũng cho rằng cơ quan Nhà nước cần đưa ra các giải pháp để hỗ trợ người dân tích cực phát huy bản sắc văn hóa, đem đến thu nhập ổn định cho người dân sống trong vùng di sản.

Đóng góp ý kiến của mình, bà Marie Christine Segui, Phó Chủ tịch Hội đồng Tỉnh Val de Marne, cho rằng không nên “bảo tàng hóa” địa phương, không cung cấp cho du khách “một hình ảnh-bưu thiếp” của Việt Nam mà phải tạo ra các không gian gặp gỡ với người dân và mang đến cho du khách cơ hội khám phá cuộc sống tại địa phương.

Từ kinh nghiệm hợp tác giữa tỉnh Val de Marne và Yên Bái trong việc phát triển du lịch di sản, bà Marie Christine Segui cho hay các dự án tập trung vào loại hình du lịch homestay và gắn kết cộng đồng cư dân để cùng phát triển du lịch bởi khi người dân hiểu địa phương của mình thì họ chính là đại sứ du lịch tốt nhất.

Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Trước những đóng góp của các chuyên gia Pháp, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng hợp tác hai bên trong lĩnh vực di sản văn hoá được xem là một trong những minh chứng sinh động góp phần duy trì mỗi quan hệ Việt Nam-Pháp vốn có bề dày lịch sử và sự tương tác sâu sắc.

Bà Trần Hải Vân đề nghị trong năm 2023, hai bên tăng cường phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, tiếp tục tạo dấu ấn trong lịch sử mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế bày tỏ mong muốn phía Pháp tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh, vùng của Pháp với các địa phương của Việt Nam, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho các cộng đồng cư dân đảm bảo sinh kế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục