Gần 1 triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương phấn khởi trước việc Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định tăng lương 12,4% vào đầu năm 2016.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin này, nhiều công nhân tại Bình Dương đã tỏ ra băn khoăn trước việc tăng lương thường kéo theo việc tăng giá nhà trọ, tiền sinh hoạt tại các khu công nghiệp khiến hàng trăm nghìn công nhân lao động tiếp tục gặp khó nếu Nhà nước chưa có biện pháp kiểm soát việc tăng giá nhà trọ và các chi phí sinh hoạt...
Chị Lê Thị Bích Hoa, công nhân của Công ty Nam Phương đóng tại khu công nghiệp Việt Hương 1 (thị xã Thuận An, Bình Dương) cho biết: "Trước khi tăng lương, tôi đề nghị Nhà nước nên kiểm soát về thị trường, không cho tăng những chi phí ăn theo để bảo đảm mức sống của người lao động tăng lên. Tăng lương mà chi phí khác ngoài xã hội tăng thì mức tăng lương không còn giá trị đối với người lao động. Những năm qua Nhà nước có tăng lương nhưng không kiểm soát được vấn đề giá cả như tiền nhà trọ, vì vậy vấn đề tăng lương không thực sự giá trị đối với người lao động.”
Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân của Công ty Sao Việt đóng tại Khu công nghiệp Đồng An 1 (Bình Dương) cũng tỏ ra lo lắng: “Mỗi khi tăng lương thì kéo tất cả các dịch vụ tăng theo, nhất là tiền thuê phòng trọ, tiền đi chợ, sinh hoạt hàng ngày... Như vậy việc tăng lương cũng bão hòa, không thể giúp cho đời sống công nhân cao hơn được. Để cho công nhân chúng tôi làm có thêm thu nhập, đề nghị Nhà nước quản lý giá nhà trọ, giá sinh hoạt thì mới nâng cao đời sống của chúng tôi."
Còn anh Hồ Hồng Hải, công nhân Công ty Seredearth đóng tại Bình Chuẩn, thị xã Thuận An (Bình Dương) phản ánh: “Tôi thấy mức lương bây giờ tăng 15 17% thì công nhân mới sống đỡ hơn, chứ tăng 12,4% thì mức tăng đó chỉ đủ để chi trả nhà trọ, tiền trượt giá sinh hoạt, chứ công nhân không được hưởng gì hết."
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 3 triệu m2 sàn nhà trọ (tương đương 182.289 phòng) đang cho gần 550.000 công nhân lao động thuê ở. Hiện giá bình quân mỗi phòng trọ từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng thì công nhân chắt chiu mới đủ sống. Theo nhiều công nhân phản ánh, cứ mỗi lần tăng lương, chủ nhà trọ liền tăng giá mỗi phòng thêm ít nhất 100.000 đồng/tháng. Đối với công nhân việc tăng cả trăm nghìn là cả vấn đề đối với họ.
Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: "Vấn đề tăng giá luôn gây ra bức xúc của công nhân lao động và cũng là bức xúc của chính quyền các cấp hiện nay, bởi lương chưa tăng thì giá đã tăng rồi, nhất là ở các chủ nhà trọ. Đó là hiện tượng về mặt xã hội. Chỗ này công đoàn chúng tôi có kiến nghị với Nhà nước làm thế nào tăng cường công tác quản lý để đảm bảo được bình ổn giá thị trường. Bên cạnh đó, nhiều ngành như ngành thương mại cần bình ổn giá điện, kiểm soát giá nhà trọ cho thuê tại các khu công nghiệp để công nhân bớt khổ sau khi được tăng lương."
Ông Phước cũng cho rằng, đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn, nhu cầu tăng lương là một nhu cầu thực tế khi các ngành chức năng đánh giá hiện thu nhập bằng lương của công nhân lao động chỉ đảm bảo được 70-80% nhu cầu đời sống.
"Tuy nhiên, công đoàn cũng có một sự vận động cho công nhân lao động phải sự thông cảm chia sẻ đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn. Biện pháp cùng nhau tháo gỡ, đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp mới đảm bảo cuộc sống lâu dài của người lao động. Đó mới là yêu cầu chính của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao đời sống của người lao động," ông Phước nói.
Tại các buổi đối thoại mới đây với lãnh đạo tỉnh, hàng nghìn công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã kiến nghị tỉnh cần quan tâm về chính sách tăng lương phải hợp lý hơn để đảm bảo có thu nhập nâng cao đời sống. Trong thời điểm tăng lương không nên để tăng giá nhà trọ, giá điện và nhiều chi phí khác.
Bên cạnh đó, công nhân cũng mong muốn có nhà giữ trẻ do Nhà nước đầu tư ở các khu công nghiệp và kiến nghị về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, văn hóa, giải trí cho công nhân lao động.../.