Từ khi mức tăng lương tối thiểu vùng được giao cho Hội đồng Tiền lương quốc gia, các phương án tăng lương của đại diện người lao động và đại diện chủ sử dụng lao động thường có sự chênh lệch lớn. Bên nào cũng có những lý lẽ xác đáng cho phương án của mình đưa ra. Năm nay, mức tăng lương tối thiểu được dự báo sẽ không có sự đột biến so với năm ngoái.
Tăng bao nhiêu là phù hợp?
Theo các doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu hàng năm đã tạo ra sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp. Vì vậy, mức tăng lương hàng năm cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, việc tăng lương tối thiểu quá cao trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Ông Chu Văn An tính toán với riêng công ty mình, năm 2015, mức tăng lương tối thiểu vùng trung bình khoảng 15% so với năm 2014 nhưng tổng chi phí đóng các khoản tiền bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn (bằng 2% quỹ lương bảo hiểm xã hội) của công ty Minh Phú đã tăng lên tới 35% so với năm 2014.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, mức tăng lương được điều chỉnh tới đây phải thể hiện được 3 tiêu chí: Vừa bù đắp sự mất giá của đồng tiền (lạm phát), phù hợp với tỷ lệ tăng của năng suất lao động, đồng thời cũng vừa phải có được một tỷ lệ tăng thêm nhất định để rút ngắn lộ trình đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động mà Nhà nước đã đặt ra.
“Để đảm bảo đời sống cho người lao động và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 mà VCCI đề xuất vẫn chỉ tăng ở mức hơn 10%,” ông Lộc cho biết.
Cũng tính toán đến nhiều yếu tố nhưng phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh việc tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Do đó, phương án tăng lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn Lao động năm 2016 là tăng từ 16-17% so với năm 2015, từ 350.000 - 550.000 đồng/mức.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, để đưa ra được mức đề xuất này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dựa vào một số dự báo như: Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3-3,5%/năm.
Mức tăng lương sẽ tính toán kỹ
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, năm 2016, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ cần phải tính toán kỹ hơn vì doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động… Ngoài ra, việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên để dần tiến tới đóng bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập vào năm 2018. Tất cả những chi phí này doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu.
Nếu tăng lương không đủ bù trượt giá thì người lao động thì gần như không được hưởng lợi và doanh nghiệp thì "lãnh" đủ các loại chi phí tăng thêm. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một cuộc điều tra về mức sống tối thiểu chính xác, minh bạch để có căn cứ tăng lương tối thiểu vùng hàng năm.
Về vấn đề điều tra mức sống tối thiểu làm căn cứ tăng lương, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho hay, hiện nay bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã mời chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu nhu cầu sống tối thiểu, mức sống tối thiểu thành mức chuẩn. Từ mức sống tối thiểu đó mới có thể làm chuẩn để quyết định các vấn đề khác.
“Thực ra đã có rồi nhưng ý kiến các bên còn khác nhau. Phía người lao động muốn nhấn mạnh một số yếu tố, và phía người sử dụng muốn nhấn mạnh một số yếu tố. Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc thống nhất phương pháp tính là rất khó. Vấn đề là đưa khoảng cách bất đồng này càng hẹp càng tốt,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Dự báo về kết quả thương lượng giữa các bên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng năm nay mức tăng sẽ không có sự đột biến so với năm ngoái nhưng cũng sẽ không quá thấp để đảm bảo tiệm cận nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Ngày mai 5/8, Hội đồng tiền lương quốc gia, gồm đại diện ba bên: VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, nhằm kịp thời trình Chính phủ vào tháng Mười tới./.