Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ đối ngoại phải giữ vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, trong huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước.
Với những kết quả quan trọng trong thành tựu chung của công tác đối ngoại năm 2022, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung để cùng nhìn lại những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại Đảng và định hướng trong thời gian tới nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột đối ngoại của đất nước.
- Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của công tác đối ngoại Đảng năm 2022?
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung: Khi nói đến đối ngoại Đảng nói chung và các ngành Đối ngoại khác, cần nhắc tới chủ thể, đối tác và các hình thức hoạt động đối ngoại. Năm nay, điểm nổi bật là chúng ta đã triển khai thêm hoạt động đối ngoại Đảng với sự tham gia của rất nhiều chủ thể khác nhau, cụ thể hơn, có sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của Đảng ta là đồng chí Tổng Bí thư và các lãnh đạo chủ chốt: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các ban Đảng và tỉnh/thành ủy, đặc biệt cấp ủy, huyện xã dọc biên giới.
Trong quan hệ đối ngoại Đảng, chúng ta thực hiện chủ trương mở rộng các đối tác, không chỉ với các chính đảng trên thế giới mà cả các chủ thể nhà nước, tổ chức nhân dân. Năm vừa qua, các đối tác của hoạt động đối ngoại được mở rộng rất nhiều, các hình thức từ điện đàm cho tới các chuyến thăm chính thức và các hình thức hoạt động khác như hội thảo lý luận, trao đổi kinh nghiệm...
[Vận dụng linh hoạt đường lối đối ngoại của Đảng trong cơ chế phối hợp]
Có thể nói đây là năm rất là nhộn nhịp do chúng ta và nhiều nước đã kiểm soát được đại dịch COVID-19, các nước có điều kiện và nhu cầu tăng cường trao đổi hoạt động quốc tế. Đồng thời, đây là năm tình hình quốc tế có nhiều diễn biến, thay đổi nên các nước, các tổ chức, chính đảng muốn có quan hệ, trao đổi với nhiều nước.
Trong các hoạt động liên quan những năm qua, chúng ta đạt được kết quả rất lớn. Trước hết, đó là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố tin cậy chính trị và cùng trao đổi, đề ra những phương hướng hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới với các đảng lãnh đạo và các nước láng giềng.
Đối với nước nào cũng vậy, các nước láng giềng rất quan trọng. Cụ thể, vào những ngày cuối năm nay, đó là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất thành công, thành công trên nhiều mặt. Hai bên đều đánh giá đây là hoạt động chính trị, đối ngoại rất quan trọng đối với 2 nước và có tác động đối với tình hình quốc tế và khu vực.
Đối với 2 nước láng giềng Lào và Campuchia, năm nay kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào; 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. Trong khuôn khổ của năm hữu nghị, đoàn kết đặc biệt đó, hai nước có nhiều hoạt động kỷ niệm thiết thực, phong phú, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hai đảng, hai nước, đặc biệt các chuyến thăm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong khuôn khổ năm hữu nghị của hai đảng.
Bên cạnh đó, chúng ta tham gia một số hoạt động đối ngoại của các chính đảng ở các nước Đông Nam Á, trong khuôn khổ giữa các nước Đông Nam Á cũng như các chính đảng của các nước này với đối tác quốc tế khác. Đặc biệt, trong các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, chủ chốt của ta đi sang thăm các nước hoặc khi các nước tới Việt Nam đều có các hoạt động gặp gỡ, trao đổi.
Một thành công nữa, chúng ta tăng cường hoạt động với các chính đảng ở các đối tác quan trọng như các cuộc điện đàm, tiếp xúc của đồng chí Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư với những người đứng đầu Đảng, Chính phủ của Nhật Bản, Hàn Quốc...; hoặc khi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đi thăm các nước Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có những hoạt động này.
Cũng trong năm qua, chúng ta tiến hành nhiều hoạt động đối với các nước bạn bè truyền thống như ở châu Phi, châu Mỹ Latinh. Ngoài các chuyến thăm song phương, đặc thù của đối ngoại kênh Đảng là tham dự đại hội Đảng của các quốc gia đó; đồng thời, cùng với các lực lượng, cơ quan khác của Việt Nam tiến hành các cuộc trao đổi lý luận, kinh nghiệm với các đảng ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh và các nước ở châu Âu như Đảng Cộng sản Pháp, Đảng cánh tả Đức, Đảng Dân chủ Xã hội Đức…
Khi nói về chủ thể của đối ngoại Đảng cũng nói đến các cơ quan làm đối ngoại Đảng, trong đó có Ban Đối ngoại Trung ương. Ban được giao nhiệm vụ hàng đầu là theo dõi tình hình quốc tế và tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương và trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đường lối, chủ trương lớn liên quan đến công tác đối ngoại.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Đối ngoại Trung ương cùng với các cơ quan khác đã kịp thời đề xuất chủ trương đối với những vấn đề lớn đặt ra trong quan hệ với các đối tác, đề xuất phương hướng lớn như Ban Bí thư thông qua kế hoạch để thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/2/2019 về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới;” xây dựng định hướng và chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại của Nghị quyết Đại hội XIII.
Liên quan hoạt động đối ngoại Đảng cũng liên quan đến cơ quan, chủ thể thực hiện đối ngoại Đảng, trong năm 2022, chúng ta đã cố gắng phát huy vai trò được giao về đôn đốc, giám sát việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng ta với các đối tác; từ đó đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận, trong đó có các thỏa thuận giữa các lãnh đạo cấp cao của hai bên.
Đối ngoại Đảng phối hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện đường lối đối ngoại gồm ba trụ cột.
- Những khó khăn, thách thức trong công tác đối ngoại Đảng năm 2022 là gì, thưa đồng chí?
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung: Khó khăn, thách thức lớn nhất là tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, trong đó, cạnh tranh các nước lớn diễn ra rất gay gắt, tình hình trong khu vực chịu tác động rất lớn của tác động đó. Tình hình chính trị nhiều nước cũng bị tác động, ảnh hưởng.
Bối cảnh này đặt ra những thách thức cho chúng ta trong việc đảm bảo xử lý những vấn đề khó khăn, phức tạp. Ví dụ, làm sao giữ được đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt; làm sao củng cố được môi trường hòa bình, an ninh láng giềng trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á là một trong những trọng điểm cạnh tranh của các nước lớn; làm sao có thể tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển, gồm có cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn phát triển, tranh thủ khoa học và công nghệ, trí thức...
Trong bối cảnh thế giới chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19 lại phải đương đầu với những thách thức mới trong phát triển kinh tế-xã hội, làm sao chúng ta tranh thủ để đạt được, giữ được những thành tựu phát triển trong thời gian qua.
Và thách thức cũng rất lớn, chủ nghĩa cực đoan, bất ổn chính trị ở nhiều nước cũng tác động đến khả năng, điều kiện để các chính phủ và các chính đảng, tổ chức nhân dân tiến hành các hoạt động đối ngoại... Trong điều kiện đó, cán bộ làm công tác đối ngoại luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tựu chung lại, trong năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các lực lượng đối ngoại Việt Nam đã vào cuộc đồng bộ, chủ động, tích cực và thực hiện được nhiệm vụ rất quan trọng là góp phần vào giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước và đã cố gắng, nỗ lực tranh thủ những điều kiện thuận lợi bên ngoài cho sự phát triển của đất nước, cùng với đó là đóng góp vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đóng góp vào công việc chung của khu vực và quốc tế; được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với tiềm lực, cơ đồ, vị thế uy tín chưa bao giờ đạt được như ngày hôm nay và những kinh nghiệm đạt được, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, phát huy những thuận lợi và đạt nhiều kết quả to lớn mới trong năm 2023.
- Xin đồng chí cho biết những trọng tâm công tác đối ngoại Đảng trong năm 2023?
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung: Trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác đối ngoại Đảng trong năm 2023 là thực hiện kế hoạch tổng thể đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/2/2019 về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới.”
Trong kế hoạch đó đã đề ra nội dung, các biện pháp cụ thể để thể hiện các quan điểm, phương châm cũng như các yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác đối ngoại đảng.
Đây là yêu cầu tổng thể đặt ra nhưng quan trọng nhất, việc triển khai, đồng thời thích ứng với những diễn biến mới, đòi hỏi mới của tình hình.
Bên cạnh đó, trong tình hình hiện nay, vấn đề rất quan trọng là nâng cao năng lực về công tác dự báo tình hình và kịp thời, chủ động, sáng tạo đưa ra các chủ trương và giải pháp phù hợp để ứng phó với diễn biến tình hình đặt ra, phát huy thế mạnh của chúng ta đã có.
Ví dụ, tình hình cạnh tranh giữa các nước lớn như vậy, Đông Nam Á là một trong những khu vực trọng tâm của cạnh tranh thì chúng ta xử lý như thế nào để vẫn giữ được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, phát triển quan hệ với các nước, thực hiện những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, giải quyết những vấn đề đặt ra.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phối hợp của các lực lượng làm công tác đối ngoại; cơ chế, quy định đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại để đáp ứng yêu cầu thực sự ngày càng lớn và quan trọng trong tình hình mới.
- Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng với những diễn biến phức tạp, xin đồng chí cho biết, chúng ta phải làm gì để phát huy sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân?
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung: Một điều rất quan trọng đối với cả 3 trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đó là những người lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia thực hiện cần nhận thức đầy đủ về quan điểm quan trọng được đưa ra tại Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.”
Một vấn đề rất lớn nữa là cơ chế phối hợp bởi trong công tác đối ngoại, có những cấu phần chính là công tác theo dõi tình hình, từ đó dự báo, tham mưu và tổ chức thực hiện. Tất cả các cơ chế phối hợp cần được tăng cường, nâng cao hiệu quả trong tất cả các khâu.
Hiện nay, Ban Đối ngoại Trung ương đã phối hợp với các bộ, ngành để trình lên Bộ Chính trị những điều chỉnh bổ sung đối với quy chế mới để tiếp tục đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác đối ngoại.
Cùng với việc thực hiện các quy chế đó, có thể hình thành những cơ chế mới do yêu cầu đặt ra đối với từng loại đối tác. Bởi mỗi đối tác có một đặc thù cho nên chúng ta có thể nghĩ tới cơ chế khác nhau để có sự phối hợp phù hợp, hiệu quả.
Còn đối với vấn đề cán bộ, người cán bộ phải ý thức được tầm quan trọng của cả 3 lực lượng thực hiện công tác đối ngoại cũng như sự phối hợp và nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp. Đây là yếu tố rất quan trọng, ngoài những yếu tố quan trọng hàng đầu là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đối ngoại.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!./.