Công ty Gang thép Thái Nguyên cần nắm chiến lược quy hoạch

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cần chủ động bám sát các nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.
Công ty Gang thép Thái Nguyên cần nắm chiến lược quy hoạch ảnh 1Bốc dỡ sản phẩm thép cây xuất xưởng tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cần chủ động bám sát các nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia cũng như của ngành thép và điều kiện thực tế của Công ty để từ đó xây dựng chiến lược phát triển với những tiêu chí cụ thể về quản lý, công nghệ, thị trường cho từng giai đoạn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống công nhân gang thép (29/11/1963-29/11/2013) do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tổ chức diễn ra ngày 29/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  cũng yêu cầu Công ty cần triển khai đồng bộ thực hiện các giải pháp về tổ chức, quản lý, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, quan tâm tới công tác an toàn môi trường, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên của Công ty.

Năm 1959, theo tiếng gọi của Đảng, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân và nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tụ hội về Thái Nguyên xây dựng Khu công nghiệp Gang thép đầu tiên của Việt Nam.

Sau hơn ba năm kể từ ngày khởi công, với tinh thần lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, vào 8 giờ 30 phút ngày 29/11/1963 mẻ gang đầu tiên của Lò cao số 1 đã ra lò, đánh dấu một thời khắc đã đi vào lịch sử của Khu Gang thép Thái Nguyên. Từ đó, ngày 29/11 hàng năm, đã trở thành Ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, tập thể Công ty luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ngày 1/7/2009, Công ty chính thức chuyển mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, hàng năm Công ty đều vượt kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng từ 10-15% so với thời kỳ chưa cổ phần hóa, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng trưởng…

Từ năm 2010 đến nay, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, thị trường thép xây dựng diễn biến phức tạp, lượng tồn kho tăng… trước thực trạng khó khăn trên, Ban lãnh đạo Công ty đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát chặt chẽ việc tiết giảm các chi phí từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, mua bán vật tư, phụ tùng, sửa chữa thiết bị; quản lý chặt chẽ hàng tồn kho và tập trung rà soát chi phí chung, chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên… .

Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, trước những khó khăn do thị trường thép diễn biến khó lường… song nhờ làm tốt công tác dự đoán, dự báo và phân tích đúng tình hình, Công ty đã chỉ đạo quyết liệt trong việc tăng cường công tác quản lý trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ nguyên vật liệu đầu vào; thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm các chi phí, giảm các chỉ tiêu tiêu hao, cải thiện nhiều chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sản xuất./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.