Công ty mẹ Circle K đề xuất mua lại doanh nghiệp đứng sau 7-Eleven

Canada Alimentation Couche-Tard, nổi tiếng với chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K, đã đề xuất mua lại Seven & I Holdings, đơn vị điều hành thương hiệu 7-Eleven của Nhật Bản.

Một cửa hàng 7-Eleven. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Một cửa hàng 7-Eleven. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Tập đoàn bán lẻ Canada Alimentation Couche-Tard, nổi tiếng với chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K, đã đề xuất mua lại Seven & I Holdings, đơn vị điều hành thương hiệu 7-Eleven của Nhật Bản.

Động thái này được xem là nỗ lực thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào một công ty Nhật Bản, đồng thời là vụ mua lại xuyên biên giới lớn nhất trong năm nay.

Theo Couche-Tard mô tả đề xuất được đưa ra là "thân thiện," nhưng lưu ý rằng chưa thể đảm bảo bất cứ thỏa thuận nào.

Về phần mình, Seven & I ngày 19/8 cũng xác nhận đã nhận được lời đề nghị mua lại toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành, đồng thời đã thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm xem xét thương vụ này.

Việc chào mua diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đưa ra các quy định mới về việc thâu tóm doanh nghiệp, qua đó khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Nếu thành công, Couche-Tard sẽ mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình tại Bắc Mỹ và châu Âu, đồng thời kiểm soát gần 20% thị trường cửa hàng tiện lợi của Mỹ.

Theo ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành của GlobalData, thương vụ mua lại "gần như chắc chắn sẽ thu hút" sự giám sát chặt chẽ từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ - cơ quan quản lý chống độc quyền của nước này.

Ngoài ra, ông Saunders nhận định việc mua lại một công ty Nhật Bản khá phức tạp, có thể gây ra những thách thức, do các công ty này thường thận trọng và phản đối bất cứ sự thay đổi nào.

Tập đoàn Couche-Tard đã thực hiện một số vụ mua lại trong thập kỷ qua, tuy nhiên chưa có thương vụ nào có quy mô lớn vượt qua lần này. Vào năm 2021, tập đoàn đã cố gắng mua lại chuỗi siêu thị Carrefour, song đã bị chính phủ Pháp chặn lại.

Tập đoàn Seven & I điều hành hơn 83.000 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó có chuỗi cửa hàng 7-Eleven và chuỗi trạm xăng Speedway tại Mỹ.

Tập đoàn đã mua lại Speedway từ Marathon Petroleum với giá 21 tỷ USD vào năm 2021, giúp thúc đẩy sự hiện diện của mình tại khu vực Bắc Mỹ.

Thương hiệu 7-Eleven được sáng lập tại Dallas, bang Texas (Mỹ), tuy nhiên đã được cố doanh nhân người Nhật Masatoshi Ito mở rộng thị trường trên toàn cầu.

Sau thông báo, cổ phiếu của Seven & I đã tăng gần 23% trong phiên giao dịch tại Tokyo, đẩy giá trị thị trường của công ty lên trên 38 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.