Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn báo cáo của các nhà nghiên cứu công bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP24) đang diễn ra ở Katowice (Ba Lan) cho thấy Trái Đất vẫn đang trong quá trình nóng lên, vượt xa mức tăng nhiệt độ đề ra theo Thỏa thuận Paris năm 2015.
Theo dữ liệu về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia (CAT), được hợp nhất từ số liệu của ba tổ chức nghiên cứu tại châu Âu, mặc dù thế giới đã đạt được kết quả nhất định thông qua các hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất, thì mức tăng nhiệt độ vẫn còn rất cao.
Cụ thể, theo CAT, với các chính sách hiện hành, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức dự báo này của CAT giảm 0,1 độ C so với báo cáo công bố cách đây một năm.
Cũng theo CAT, nếu các quốc gia nghiêm chỉnh thực thi những cam kết về khí hậu, mức tăng nhiệt độ có thể khống chế ở 3 độ C.
Tuy nhiên, 3 độ C vẫn là con số quá lớn và điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khi băng ở các cực và đỉnh núi tan ra, nước biển dâng cao, nhiều hòn đảo biến mất và các khu vực thấp ở đất liền sẽ ngập chìm trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người, bên cạnh những hậu quả ngày càng khốc liệt hơn của thảm họa thiên nhiên.
[Nguyện vọng của các nước chịu nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu]
Trong khi đó, theo Thỏa thuận Paris 2015, mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ 21 chỉ là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) khẳng định, mục tiêu tăng 1,5 độ C - ngưỡng an toàn đối với Trái Đất, vẫn có thể thực hiện được, song đòi hỏi những hành động ngay lập tức và ở mức độ chưa từng thấy của con người.
Nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng đánh giá sau khi ký kết Thỏa thuận Paris 2015, một số quốc gia như Argentina, Canada, Chile, Ấn Độ và Liên minh châu Âu đã có những bước đi cần thiết và đúng đắn trong việc cắt giảm khí thải.
Na Uy và Costa Rica cũng hướng đến hình thái giao thông ít phát thải carbon và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, lại tăng trong năm 2018.
Một số quốc gia như Mỹ, Australia, Brazil, Indonesia, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chưa có hành động cụ thể, thậm chí đi những bước thụt lùi, trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu chung của toàn nhân loại./.