Tại Hội nghị Thượng đỉnh các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về chống Biến đổi Khí hậu (COP28) ở Dubai ngày 2/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi loại bỏ dần than, dầu và khí đốt.
Ông nói: "Giờ đây tất cả chúng ta phải thể hiện quyết tâm vững chắc trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch - trước hết là than. Chúng ta có thể bắt đầu đặt ra mục tiêu này tại hội nghị khí hậu này."
Thủ tướng Scholz cho biết Đức đang đi đầu phát triển một số giải pháp năng lượng sạch và nhắc lại cam kết của Đức trung hòa khí carbon vào năm 2045.
Hơn 100 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh cũng kêu gọi "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch thay vì "giảm dần."
Các nhóm bảo vệ môi trường hoan nghênh các mục tiêu mà ông Scholz đặt ra nhưng cho biết chính phủ của ông chưa thể hiện đủ hành động để giải quyết vấn đề này.
COP28: Tranh cãi về phát triển năng lượng hạt nhân thay thế nhiên liệu hóa thạch
Hơn 20 nước kêu gọi đến năm 2050 tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân so với mức của năm 2020. Điều này gây nhiều tranh cãi do lo ngại tính an toàn và việc xử lý chất thải hạt nhân.
Ông Scholz cũng nói: "Chúng ta hãy nhất trí ở Dubai về hai mục tiêu ràng buộc: một là tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và hai là tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng - cả hai đều vào năm 2030."
Ít nhất 118 quốc gia đã đồng ý với mục tiêu bao gồm Brazil, Nigeria. Australia, Nhật Bản, Canada, Chile. Trung Quốc và Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ nhưng cho đến nay vẫn chưa chính thức ủng hộ cam kết này.
Ông Scholz cho biết Đức đã chi 6,5 tỷ USD (6 tỷ euro) để tài trợ cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu trên thế giới và cam kết thêm 100 triệu USD (92 triệu euro) cho quỹ khí hậu mới được thành lập tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm./.