Với trăn trở cần phải làm gì đó để góp phần cùng xã hội phòng chống dịch, cô giáo Phạm Thị Hồng Vân (giáo viên Trường Trung học cơ sở Trần Mai Ninh, thành phố Thanh Hóa) đã mua nguyên liệu và tự tay làm hơn 400 tấm chắn ngăn giọt bắn gửi tặng các đơn vị, những người đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Nói về việc làm ý nghĩa của mình, cô Vân cho biết thời gian đầu khi nghỉ dạy học ở nhà, nghe lời kêu gọi của Chính phủ về việc chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc," cô luôn trăn trở suy nghĩ, mình cần phải làm việc gì đó, dù là nhỏ để góp phần phòng, chống dịch.
Những người trên tuyến đầu chống dịch đang “căng mình” để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, song các trang thiết bị bảo hộ y tế cho các y, bác sỹ đang trực tiếp phục vụ tại các khu cách ly tập trung còn thiếu.
Ủng hộ bằng tiền thì không biết bao nhiêu cho vừa, khẩu trang cũng khan hiếm nên cô Vân nảy ra ý tưởng tự tay làm ra những tấm chắn ngăn giọt bắn để gửi tặng các đơn vị, góp một phần nhỏ vào công tác phòng, chống dịch của cả nước.
“Qua tìm hiểu, tôi biết được việc làm ra những tấm chắn ngăn giọt bắn không quá cầu kỳ và kinh phí cũng không nhiều, trong khi đó vật dụng này lại rất hữu hiệu, nhằm ngăn chặn những giọt bắn khi giao tiếp, hạn chế sự lây lan cho những người đang làm công tác phòng, chống dịch COVID-19," cô giáo Vân chia sẻ.
Cũng theo cô Vân, trước khi bắt tay vào việc, cô đã tham khảo các mẫu trên thị trường, sau đó mua các trang thiết bị như dập ghim, mica trắng, dây chun… mang về nhà và nghiên cứu cắt, dán, dập khuy rồi làm ra những vật dụng trên.
[Sáng tạo các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở Nghệ An]
Những ngày đầu làm chưa quen nên bị sai, hỏng khá nhiều, nhưng với sự kiên trì và bàn tay khéo léo, cô Vân đã chỉnh sửa để cho ra đời sản phẩm an toàn và tiện ích nhất.
“Để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, tôi đã mua một vài mẫu trên thị trường về tham khảo, tuy nhiên mỗi sản phẩm đều có ưu, nhược điểm khác nhau. Có loại màng chắn khi đeo vào sẽ bị mờ do hấp hơi khi nói, làm người đeo mũ khó nhìn trong khi làm việc, nhất là khó khăn cho những người đeo kính. Nhiều loại phần nhựa tiếp xúc với da đầu cứng nên khi đeo vào không tạo cảm giác thoải mái, đeo lâu sẽ bị đau. Để khắc phục những nhược điểm trên, trên mỗi màng chắn tôi đã dùng kéo khoét kẽ hở phía trên mũ để thoát khí không làm mờ tấm chắn. Bên cạnh đó, phần nhựa tiếp xúc với da đầu được độn thêm một lớp xốp mỏng, tạo cảm giác êm cho người đeo khi làm việc," cô Vân cho biết thêm.
Để làm ra 1 chiếc tấm chắn ngăn giọt bắn, cô mất chừng hơn 10 phút. Đến nay, cô Vân đã hoàn thành 400 chiếc. Toàn bộ số tấm chắn này, cô đã nhờ bạn bè gửi tặng đến các đơn vị chống dịch COVID-19 tại tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội.
"Hiện tại, dù đang khá bận với công việc dạy học online, tuy nhiên tôi sẽ cố gắng nhờ bạn bè gửi 100 chiếc còn lại để tặng một đơn vị đang làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Hà Nội," cô Vân cho biết.
Những ngày này, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn cam go và khó khăn nhất. Nhiều tổ chức, cá nhân đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nghiêm chỉnh thực hiện theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng những nghĩa cử cao đẹp.
Việc làm của cô giáo Phạm Thị Hồng Vân, Trường Trung học cơ sở Trần Mai Ninh (thành phố Thanh Hóa) dù nhỏ nhưng rất thiết thực, góp phần tích cực cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19 và lan tỏa việc làm ý nghĩa đến nhiều người khác trong cộng đồng./.