COVID-19 có thể quyết định tính sống còn của các nước lớn

Theo giới phân tích, đại dịch COVID-19 đang định hình diễn biến địa chính trị quan trọng nhất của thế kỷ 21 đó là sự cạnh tranh nước lớn của Mỹ với Trung Quốc.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, trong lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) tiếp tục lan rộng tại Mỹ, giới phân tích đang tập trung vào các tác động y tế và kinh tế của nó, nhưng đại dịch này đang định hình diễn biến địa chính trị quan trọng nhất của thế kỷ 21 là sự cạnh tranh nước lớn của Mỹ với Trung Quốc.

Cách Washington và Bắc Kinh xử lý các tác động của virus corona trong các tuần sắp tới có thể xác định đâu là nước lãnh đạo hệ thống quốc tế trong các thập kỷ tới. Sau tất cả, các đại dịch toàn cầu đã góp phần dẫn đến sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc trong quá khứ.

Vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên, Athens là một thành bang hùng mạnh đứng đầu Hy Lạp cổ đại. Đây là khu giao thương giàu có, trung tâm của văn hóa và nghệ thuật Hy Lạp và có hải quân hùng mạnh dẫn đầu Liên đoàn Delian để đánh bại Đế quốc Ba Tư.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến Pelononnisos trước đối thủ Sparta, Athens bị tàn phá bởi bệnh dịch vào năm 430 trước công nguyên. Dịch bệnh - mà các học giả hiện đại cho là bệnh thương hàn từ Bắc Phi, đã tàn sát người dân Athens, làm suy yếu quân đội và thậm chí cướp đi sinh mạng của nhà lãnh đạo tài giỏi nhất Pericles.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Athens dường như đang đứng bên bờ chiến thắng, nhưng sau khi bị suy yếu bởi thảm họa này, họ đã đề nghị đình chiến tạm thời vào năm 421 trước Công nguyên. Khi giao tranh trở lại, Athens bị đánh bại và chính quyền dân chủ bị lật đổ bởi các chiến binh Sparta.

Cộng hòa Venezia cũng từng có chung số phận. Ngày nay, chúng ta nghĩ tới Venice như một điểm đến du lịch độc đáo, nhưng vào cuối thời Trung Cổ và đầu thời kỳ hiện đại, Venezia từng là một đế quốc. Tuy nhiên, giống như Athens, Venice không thể chiến thắng trước bệnh dịch. Đại dịch hạch Italy (1629-1631) được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc và lây lan sang phương Tây qua Con đường Tơ lụa.

Là một trung tâm thương mại lớn, Venice nằm trong số các khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất. Mặc dù chính quyền đã nỗ lực hết sức có thể để đối phó với dịch bệnh, nhưng điều đó là chưa đủ. Đại dịch hạch Italy đã góp phần vào sự thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu khi Venice suy tàn và các nước Bắc Âu, như Anh và Cộng hòa Hà Lan, nổi lên trở thành cường quốc địa chính trị.

[Dịch COVID-19 có đẩy Mỹ và Trung Quốc vào Chiến tranh Lạnh mới?]

Các bài học lịch sử này đến nay vẫn còn giá trị khi chúng ta đang chứng kiến dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Như triết gia Marcus Tullius Cicero từng nói, tiền bạc là sức mạnh của quyền lực. Trung Quốc đang ghi nhận số liệu kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và thị trường chứng khoán Mỹ rơi tự do trong lúc các chuyên gia kinh tế dự đoán cuộc suy thoái có thể xảy ra. Cả hai cường quốc sẽ bị suy yếu về kinh tế, nhưng không song hành cùng nhau. Khả năng chống chịu "cơn bão" này sẽ xác định khi nào và thậm chí liệu rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới hay không.

Xét về phương diện ngoại giao, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung chứa đựng yếu tố ý thức hệ bởi nhiều người coi mô hình do nhà nước Trung Quốc lãnh đạo là lựa chọn thay thế khả thi cho chế độ dân chủ thị trường mở của Mỹ.

COVID-19 có thể quyết định tính sống còn của các nước lớn ảnh 1Hành khách tới nhà ga đường sắt Wuchang, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) khi chuyến tàu đầu tiên chính thức hoạt động trở lại sau hai tháng bị phong tỏa do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Để đối phó với dịch COVID-19, Trung Quốc ban đầu đã tìm cách che dấu dịch bệnh, điều chỉ làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên sau khởi đầu chậm trễ, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hà khắc và dường như đã có thể kiểm soát dịch bệnh.

Các nhà quan sát đang chờ xem liệu nước Mỹ có thể xử lý cuộc khủng hoảng này hay không. Bởi trong các xã hội tự do, chính quyền địa phương và các yếu tố tư nhân, như các trường đại học và liên đoàn thể thao chuyên nghiệp, thường tiến hành hành động quyết liệt hơn chính phủ quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc chính quyền liên bang tiến hành hành động quyết liệt hơn là điều rất cần thiếu. Thành công của Mỹ trong cách ứng phó với dịch bệnh sẽ định hình cách nhìn của thế giới về kết quả của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Điều này sau đó sẽ ảnh hưởng đến vị thế và quyền lực mềm của Mỹ, cũng như khả năng của họ trong việc lôi kéo các đồng minh đang dao động vào quỹ đạo của Mỹ và thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cuối cùng, trong lĩnh vực quân sự, Ủy ban Chiến lược Phòng thủ Quốc gia (NDSC) của Mỹ năm 2018 cảnh báo rằng Chiến tranh Thế giới lần thứ ba với Trung Quốc là điều có thể xảy ra và rằng Mỹ rất có khả năng thua cuộc. COVID-19 sẽ tác động đến các binh sỹ và sự sẵn sàng của quân đội hai bên và chiếm phần quan trọng trong trọng tâm chiến lược của các chính phủ quốc gia.

Các học giả về quan hệ quốc tế cho rằng sự không chắc chắn về cán cân quyền lực quân sự và ý chí quyết tâm là nguyên nhân chính dẫn tới xung đột. Nếu chính phủ Mỹ tập trung vào ứng phó thảm họa trong nước và dịch bệnh bùng phát trong quân đội Mỹ, liệu Bắc Kinh có tính toán hành động? Chắc chắn rằng nguy cơ chiến tranh vẫn ở mức thấp, nhưng nó đã tăng lên nhiều so với cách đây vài tuần và hậu quả của nó là rất khốc liệt.

Tuy nhiên, nghiên cứu của tác giả cho thấy các nền dân chủ thường đánh bại các đối thủ độc đoán trong các cuộc cạnh tranh nước lớn. Tuy nhiên, Mỹ không thể lãng phí thời gian. Trong lúc các nhà lãnh đạo Mỹ định hình cách phản ứng với virus corona, họ cần không chỉ nghĩ về cuộc khủng hoảng y tế trước mắt, mà còn nghĩ tới tương lai của vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục