Trong bài viết vừa đăng tải trên trang Interpreter của Viện Nghiên cứu Lowy, hai tác giả Alistair Nicholas và Guy McKanna cho rằng các nhà lãnh đạo bắt đầu phải suy nghĩ về hình thái mới của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Đây là điều quan trọng không kém so với việc tìm ra phương pháp ngăn chặn dịch bệnh và những rủi ro sức khỏe do dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra.
Nếu các nhà lãnh đạo không làm như vậy, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng của một chủ nghĩa bảo hộ chống lại toàn cầu hóa mới đang gia tăng ồ ạt.
Các yếu tố ở Mỹ đang thúc đẩy lời kêu gọi hướng tới việc tách rời nền kinh tế nước này ra khỏi Trung Quốc. Theo tác giả, Australia cần tránh để rơi vào một bẫy tương tự.
Tác giả viết nền kinh tế Australia đang dựa một phần vào Trung Quốc. Trung Quốc hiện nổi lên do cuộc khủng hoảng COVID-19 nhiều hơn là kinh tế.
Giống như sự bùng phát của dịch bệnh SARS năm 2003 đã làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc và tạo cho các công ty công nghệ một động lực mới, tác động của COVID-19 có lẽ cũng sẽ tương tự.
Trong quãng thời gian diễn ra dịch SARS, nỗi sợ hãi đã giữ người tiêu dùng Trung Quốc ở nhà và thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến.
Điển hình là Alibaba đã ra mắt các cửa hàng trực tuyến Taobao và T-mall ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng SARS, đem tới sự chuyển đổi cho doanh nghiệp này từ nền tảng trực tuyến B2B thành công ty thương mại điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới hiện nay.
Thương mại điện tử đã và đang đóng vai trò ngày càng lớn ở Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát làm đóng cửa phần lớn đất nước.
Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phát triển xu hướng mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến nhiều hơn tại các tòa nhà, nơi tập trung đông dân cư và tại các khu vực dễ lây lan bệnh truyền nhiễm.
Ngay cả lĩnh vực giáo dục trực tuyến cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với sinh viên Trung Quốc - mang tới cả cơ hội và rủi ro cho ngành giáo dục của Australia.
Như đã nói ở trên, một khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bùng nổ trở lại, Bắc Kinh sẽ tập trung vào những thay đổi, thậm chí chuyển đổi nhiều hơn nữa, cho nền kinh tế quốc gia.
Đầu tiên, Bắc Kinh sẽ không muốn lặp lại bất kỳ một sự lan rộng của dịch bệnh truyền nhiễm nào đó có thể làm suy yếu nền kinh tế và hệ thống chính phủ.
Trung Quốc cũng có khả năng sẽ tìm kiếm nhiều hơn các loại thực phẩm sạch và lành mạnh từ nước ngoài. Điều này mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, cũng như các nhà xuất khẩu Australia.
Người tiêu dùng Trung Quốc và cả các quốc gia khác sẽ có nhu cầu nhiều hơn với thực phẩm chế biến sẵn (vượt lên con số xuất khẩu gia súc sống) từ Australia, đem lại các khoản thu nhập giá trị gia tăng nhiều hơn.
Thứ hai, Bắc Kinh có thể sẽ tăng gấp đôi cam kết đối với các sáng kiến và đổi mới công nghệ.
Điều này sẽ tạo ra bước tiến mới trên tất cả các lĩnh vực, mở rộng từ sự đi đầu trong công nghệ máy bay không người lái và tự động hóa, xe tự động và thông tin liên lạc tốt hơn, cũng như phát triển các thành phố thông minh, đặc biệt tập trung vào chăm sóc sức khỏe người già và công nghệ sinh học.
Cam kết của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học được bắt nguồn từ chiến lược “Made in China 2025” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thay vì mua các công nghệ từ nước ngoài, nhân tố chính trong cuộc chiến tranh thương mai Mỹ-Trung gần đây, Trung Quốc lần này sẽ lôi kéo các công ty công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, từ mọi nơi trên thế giới tới với quốc gia của họ.
Điều này sẽ tác động lớn đến ngành dịch vụ tài chính toàn cầu, với việc các nhà phát triển công nghệ sớm nhận ra rằng họ dễ dàng tiếp cận với một Trung Quốc cởi mở hơn, nhưng vẫn rất tập trung.
[Các nền kinh tế ASEAN dễ bị tổn thương nhất trước dịch COVID-19]
Các nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon có thể phải cân nhắc nhiều hơn về các tuyên bố của Washington rằng sẽ tách khỏi Trung Quốc và tìm kiếm những cách thức sáng tạo để tham gia vào các phát triển ở phía bên kia Thái Bình Dương.
Điều này sẽ đưa Bắc Kinh đến một sáng kiến lớn thứ ba, sau cam kết ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và khắc phục nền kinh tế. Bắc Kinh sẽ phải hành động nhiều hơn bất kỳ một chính phủ nào khác, để xây dựng lại niềm tin của công chúng.
Các nhà chức trách sẽ cần chứng minh một vị trí lãnh đạo toàn cầu về y tế và sức khỏe, không chỉ trong phạm vi biên giới.
Cách hiệu quả nhất để làm được điều này, đó là cần phải đi đầu trong công nghệ, tăng cường công nghệ sinh học con người – nơi hợp nhất y học, sức khỏe, khoa học và công nghệ.
Ví dụ, đó là phạm vi mà cơ thể có thể được hỗ trợ bởi công nghệ, như các loại kính áp tròng giúp con người kết nối Internet thông qua màn hình gắn trên mắt kính.
Nghiên cứu về công nghệ như vậy đã xuất hiện ở phương Tây, nhưng không nhận được các khoản tài trợ đầy đủ và thường không tiến triển do các định kiến và rủi ro ác cảm. Trung Quốc sẽ tìm cách trở thành quê hương của các nghiên cứu và phát triển đó.
Thật vậy, hơn 200 cơ sở nghiên cứu và 50 trường đại học, cao đẳng tại Trung Quốc đã tham gia vào những nghiên cứu liên quan.
Các trung tâm nghiên cứu công nghệ ở Thượng Hải và Giang Môn đã nhận hỗ trợ từ Bắc Kinh để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Bắc Kinh dường như đang tăng cường sự hỗ trợ, sau “hồi chuông cảnh báo” của virus SARS-CoV-2.
Điều này sẽ làm thay đổi thế giới, cùng với sự đồng hành của phát triển và năng suất, nếu không khó để đạt được sự thay đổi được trong nhiều thập kỷ tới.
Thách thức là Trung Quốc cần phải chứng minh rằng đã có một kế hoạch hậu COVID-19.
Bằng cách tập trung vào việc bồi dưỡng và hợp nhất các tiến bộ trong lĩnh vực y tế, sức khỏe và công nghệ, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, sớm hơn so với dự kiến.
Kết thúc bài viết, tác giả nhận định nếu Australia muốn tiếp tục hưởng lợi từ sự lên ngôi của Trung Quốc, nước này cần nhìn xa hơn là chỉ chăm chú vào việc “bán vật liệu” cho Trung Quốc, để chuyển sang một giai đoạn tiếp theo trong mối quan hệ giữa hai bên, nơi mà Australia khuyến khích các công ty công nghệ và các tổ chức nghiên cứu trong nước hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Trung Quốc.
Australia cũng cần lôi kéo đầu tư Trung Quốc vào các công ty công nghệ - thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực khai thác và nông nghiệp.
Điều đó đòi hỏi Canberra phải suy nghĩ lại về các quy tắc đầu tư nước ngoài khi áp dụng đối với Trung Quốc Đại lục.
Câu hỏi đặt ra là liệu Australia có thể nhìn thấy các cơ hội mới, có tiềm năng xuất hiện từ đối tác thương mại lớn nhất của mình, hay tiếp tục quan điểm hiện tại, nhìn nhận Trung Quốc qua lăng kính địa chính trị được định nghĩa bởi Washington?./.