Cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu đang chịu áp lực rất lớn do tình trạng phong tỏa ở nhiều quốc gia trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Các nhà nghiên cứu Australia đã tạo ra một bản đồ "áp lực Internet toàn cầu" cho thấy tác động của COVID-19 đối với hạ tầng Internet khi mọi người buộc phải ở nhà.
Phần mềm bản đồ, được phát triển bởi công ty dữ liệu KASPR Datahaus, thu thập và xử lý hàng tỷ hoạt động và đo lường chất lượng đường truyền Internet hàng ngày.
KASPR Datahaus cho biết bất kỳ hoạt động nào có băng thông lớn, chẳng hạn như phát video HD và chơi game trực tuyến nhiều đồ họa đều có thể góp phần gây tắc nghẽn hệ thống mạng.
"Nhiều người ở nhà hơn có nghĩa là nhiều người trực tuyến hơn - chiếm dụng băng thông lớn hơn," giáo sư Paul Raschky, một nhà kinh tế tại Đại học Monash ở Melbourne và là đồng sáng lập của KASPR Datahaus nói.
Theo giáo sư Raschky, "video phát trực tiếp hoặc tải video lên của bạn trong các hội nghị trực tuyến được tạo thành từ các gói thông tin nhỏ - những gói này cần tìm đường xuống cáp đồng và cáp quang trên khoảng cách rộng lớn."
"Càng nhiều gói phát trực tuyến cố gắng thực hiện hành trình cùng một lúc, con đường càng tắc nghẽn và thời gian đến càng chậm." - giáo sư Raschky lưu ý.
Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy những thay đổi về độ trễ Internet xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 13/3, vào khoảng thời gian một số quốc gia bao gồm Pháp, Tây Ban Nha và Italy bước vào giai đoạn phong tỏa do chính phủ áp đặt, so với một tháng trước đó.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào các quốc gia có ít nhất 100 trường hợp được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 kể từ ngày 13/3, vì đây là những nước có khả năng thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội nhất.
Bản đồ này hiện có sẵn công khai và cho phép người dùng tải xuống dữ liệu cho từng quốc gia. Nó cho thấy áp lực đối với các mạng Internet đang được cảm nhận đặc biệt ở Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Iran và Malaysia.
KASPR Datahaus cho biết chính phủ và các nhà cung cấp mạng có thể hạn chế một số dịch vụ trực tuyến, để hệ thống mạng không bị đình trệ do lưu lượng truy cập tăng đột biến./.