Dù có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, song các tỉnh, thành phố của vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề, gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động của đời sống nhân dân và khu vực sản xuất-kinh doanh đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực kinh tế hai vùng.
'Một số tỉnh có thể tăng trưởng âm'
Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đông nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu long, ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của hai vùng trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước (cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 4,5%, vùng Đông Nam Bộ đạt 4,58%, trong khi cả nước là 5,64%).
Mặc dù vậy, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn song một số địa phương vẫn duy trì đà tăng trưởng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước, như Bình Phước (6,16%), Tây Ninh (7,04%), Bình Dương (7,23%), Long An (6,06%), Bến Tre (6,47%), Bạc Liêu (7,17%).
Về các chỉ tiêu kinh tế của tám tháng, ông Đông cho biết thu ngân sách Nhà nước tại hai vùng đạt hơn 495.000 tỷ đồng (chiếm hơn 46,5% số thu cả nước). Kim ngạch xuất khẩu là 87,54 tỷ USD (khoảng 41,1% cả nước). Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký là 10,54 tỷ USD (chiếm 55,14% cả nước) và số doanh nghiệp thành lập mới là 37.252 doanh nghiệp (bằng 45,6% cả nước).
“Dự kiến cả năm 2021 tốc độ tăng trưởng của hai vùng sẽ còn thấp hơn nữa, thậm chí một số tỉnh, thành phố có thể bị tăng trưởng âm, do tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh,” ông Đông nói.
Tham luận tại hội nghị, đại diện của Bình Dương nhấn mạnh dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện dự toán thu, chi ngân sách của địa phương trong năm 2021 và dự báo, xây dựng dự toán cho năm 2022.
Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, khiến các hoạt động sản xuất-kinh doanh, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp, hoạt động của tiểu thương đều bị đình trệ, đời sống tất cả các tầng lớp dân cư trên địa bàn đều bị ảnh hưởng và rơi vào khó khăn, nhất là đối với lao động nhập cư và người nghèo. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nguồn nguyên vật liệu, máy móc, phụ kiện nhập khẩu. Cụ thể, các chủ doanh nghiệp, chuyên gia, công nhân kỹ thuật là người nước ngoài chưa trở lại Việt Nam cộng thêm sự thiếu hụt nguồn lao động tại chỗ. Những điều này đã và đang làm chậm quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại địa phương.
Khả quan hơn, Cần Thơ cơ bản được kiểm soát tình hình dịch bệnh, song đại diện của địa phương cũng cho biết ước thực hiện kế hoạch năm 2021, trong tổng số 17 chỉ tiêu chủ yếu, thành phố dự kiến có 8 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch. Nguyên nhân là bởi một số dự án tạm dừng thi công, công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn chậm, bên cạnh đó giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhiều loại vật liệu đứng trước nguy cơ khan hiếm, mất khả năng cung ứng do tình hình dịch bệnh, đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...
Về phía Đồng Nai, đại diện của tỉnh dự kiến năm 2021 có 17 chỉ tiêu đạt mục tiêu và 3 chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết (bao gồm kim ngạch xuất khẩu, tổng thu ngân sách, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm). Tuy nhiên có 2 chỉ tiêu không đạt mục tiêu, là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) và GRDP bình quân đầu người.
Tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp
Về một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu các tháng cuối năm 2021 của từng vùng, bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh mặc dù tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ có nhiệm vụ lớn nhất là khẩn trương kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch, không để bùng phát trở lại, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, sớm mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trong vùng cố gắng tạo mọi điều kiện, giải quyết tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, hạn chế tối đa việc thiếu hụt nguyên vật liệu, nhân công, không để đứt gãy sản xuất hàng hóa dẫn đến ngừng trệ sản xuất, mất việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội....
“Mục tiêu, các địa phương trong vùng phấn đấu trở lại trạng thái bình thường mới với thời gian sớm nhất, hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế như thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới, đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị, phát triển mạnh các loại dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng…,” bà Thủy nói.
Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã trải qua thời gian giãn cách dài nên đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương trong vùng tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống COVID-19 đồng thời hỗ trợ, chăm lo đời sống cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được lòng tin trong nhân dân.
Theo bà Thủy dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, dự báo nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội sẽ không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng (như tốc độ tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, thu ngân sách trên địa bàn, tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
Do đó, bà khuyến nghị các địa phương trong vùng bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần sớm phục hồi sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ đồng thời nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Địa phương cần chuẩn bị các điều kiện để cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại ngay sau khi từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, tập trung tháo gỡ việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn, kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.../.