COVID-19 gây những hậu quả gì về kinh tế và chính trị toàn cầu?

Nếu cú sốc COVID-19 dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính vì mức nợ tăng lên và thị trường nhà đất ở Mỹ trải qua tình trạng bong bóng giống như năm 2007.
Công nhân làm tại nhà máy ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 18/2. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm tại nhà máy ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 18/2. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 27/2, nhà kinh tế học người Mỹ Nouriel Roubini đã có những dự đoán đáng chú ý về hậu quả của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó nhận định thị trường chứng khoán thế giới sẽ sụt giảm 30-40%.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời phỏng vấn của tạp chí Spiegel (Đức), ông Roubini cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra sẽ khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm từ 30-40%, và nghiêm trọng hơn nhiều dự đoán của các nhà đầu tư đối với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Lý do là vì dịch COVID-19 không chỉ bùng phát ở Trung Quốc mà đã lây lan ra toàn cầu, và dự báo sẽ còn kéo dài kèm theo những hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, dịch bệnh có nguy cơ đẩy nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái và nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một cú sốc đối với thế giới.

Về vai trò của các ngân hàng trung ương, ông Roubini cho rằng các ngân hàng có thể hạ lãi suất tiền gửi hơn nữa để kích thích hoạt động vay mượn, nhưng điều đó sẽ không thể giúp thị trường về lâu dài.

Theo ông, cuộc khủng hoảng này là một cú sốc nguồn cung mà không thể đối phó bằng chính sách tài chính hoặc tiền tệ mà cần một giải pháp về y tế.

Nếu cú sốc dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính, vì mức nợ đã tăng lên và thị trường nhà đất ở Mỹ đang trải qua tình trạng bong bóng giống như năm 2007.

Ông Roubini, một trong số các nhà kinh tế học xuất sắc nhất thế giới, từng dự đoán chính xác sự bùng nổ của bong bóng bất động sản ở Mỹ bên cạnh cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đối với một Hy Lạp ngập chìm trong nợ.

Trong khi đó, nhà kinh tế học nổi tiếng ở Trung Quốc, Trương Ngạn Nguyên, cảnh báo nước này sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trong một bài bình luận đăng trên trang tin Asiatimes.com, ông Trương Ngạn Nguyên cho rằng nếu tháng Một và tháng Ba năm nay, Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% (mỗi tháng), và nền kinh tế Trung Quốc trong tháng Hai giảm 12%, thì cộng tổng 3 tháng lại, tăng trưởng trong quý đầu tiên sẽ là 0%.

Tuy nhiên, trên trang web của Diễn đàn Các Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Trung Quốc - một cơ quan nghiên cứu dưới sự bảo trợ của Quốc Vụ viện, ông cho rằng dựa trên tỷ lệ phần trăm số doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động, việc sử dụng năng lượng, lưu lượng hành khách, lượng container đưa vào và các chỉ số khác, nền kinh tế Trung Quốc trong tháng Hai thậm chí còn đáng lo ngại hơn nhiều so với mức giảm ước tính 12%.

Hầu hết các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc xuống từ 4% đến 5%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã giảm hạ 0,4% triển vọng tăng trưởng của Trung Quố xuống còn 5,6%, nhưng cảnh báo con số này còn có thể thay đổi.

Chuyên gia Trương Ngạn Nguyên hiện làm việc tại công ty Tài chính CFC - một doanh nghiệp môi giới do Công ty Chứng khoán CITIC điều hành, và từng công tác tại Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.